VĂN HÓA BÁCH VIỆT LĨNH NAM VÀ MỐI QUAN HỆ VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG - Trang 185

Chẳng hạn, tục nối nòi trong văn hóa Tân Lạc Việt vẫn khá phổ biến (đã bàn ở
chương 2). Gia đình xây dựng theo kiểu phụ hệ, song nữ giới vẫn có vai trò
quan trọng trong đời sống sản xuất.

Cùng thời, Phật giáo Nam Tông từ Ấn Độ qua Sri-Lanka cũng tiếp cận văn

hóa Tân Lạc Việt, biến Luy Lâu (Bắc Ninh) thành trung tâm vùng. Người Tân
Lạc Việt bắt đầu làm quen với tư tưởng Ấn Độ, góp phần mở rộng kho tàng
triết học nhân sinh của mình.

Có thể thấy thời kì này mở ra cho văn hóa Tân Lạc Việt một chân trời mới,

đó là quá trình hội nhập vào văn hóa khu vực.

b. Thời kì văn hóa Hán du nhập mạnh mẽ

Thời kì này được tính từ quá trình thắt chặt quản lý và thi hành chính sách

đồng hóa của nhà Đông Hán từ sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho đến khoảng
trung kì thuộc Đường (tk. VIII). Trường dạy Nho giáo được mở ra (đặc biệt là
dưới các thời cai trị của Sỹ Nhiếp, Nhâm Diên, Tích Quang), tư tưởng “trung”
với Hán triều được truyền bá, dân “Mã lưu” được phái đến ngày càng nhiều
v.v. là dấu hiệu mở đầu cho quá trình văn hóa Hán du nhập mạnh mẽ ở Việt
Nam.

Với bước ngoặt lịch sử có tính khắc nghiệt lớn ấy của thời cuộc, văn hóa

Tân Lạc Việt được tăng cường ý thức phản kháng mạnh mẽ đối với sự bành
trướng cưỡng bức từ văn hóa phương Bắc. Biểu hiện cụ thể của nó chính là ý
thức đối kháng bất khuất và thường trực đối với mối nguy cơ xâm lăng từ phía
phong kiến phương Bắc, được nung nấu và phát triển qua các danh nhân lịch
sử như Hai Bà Trưng (39-43), Bà Triệu (246), Lý Bôn (544-548), Triệu Quang
Phục (548-571), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (791) v.v.. Cụ thể, tính
riêng trong tk. II, cổ sử Trung Hoa đã ghi chép rất tỉ mỉ về hàng loạt cuộc nổi
dậy của “người Giao Chỉ” và các cộng đồng lân cận: năm 100: Tượng Lâm,
Nhật Nam nổi dậy; năm 115: Thương Ngô nổi dậy; năm 137: dân Khu Liên
mấy ngàn người đánh phá Tượng Lâm; năm 157: Chu Đạt nổi dậy giết huyện
lệnh Cư Phong; năm 178: Giao Chỉ, Hợp Phố người Ô Hử khởi nghĩa, người
Cửu Chân, Nhật Nam cùng nổi dậy v.v. [Nguyễn Duy Hinh 2004: 101-102].

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.