Ở thời kì này, cư dân bản địa Lĩnh Nam đã dần chuyển từ săn bắt, hái lượm
sang trồng trọt và chăn nuôi do áp lực dân số tăng lên. Văn hóa Hà Mẫu Độ,
Mã Gia Bang ở vùng Dương Tử, văn hóa Bắc Sơn, sơ kì Phùng Nguyên ở Lĩnh
Nam là các ví dụ điển hình. Đời sống tín ngưỡng cư dân Lĩnh Nam hình thành
và phát triển, quan niệm về cái Thiêng đặc biệt được coi trọng, nhiều thành tựu
văn hóa sơ khai hình thành, làm nền tảng cho lớp văn hóa Bách Việt về sau.
Ở thời kì đồ đồng, thành tựu đúc đồng Lĩnh Nam rất thịnh hành, sánh ngang
bằng với vùng Ngô Việt.
Vùng Ngô Việt có kỹ nghệ đúc đồng khá sớm, được cho là kế thừa thành tựu
đúc đồng từ vùng Trung Nguyên. Đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng trong
vùng phải kể đến hai nước Câu Ngô và Vu Việt cổ. Theo nhiều nhận định, kỹ
thuật đúc kiếm của người Vu Việt là rất nổi bật, nhờ vậy kiếm Việt vương Câu
Tiễn trở nên nổi tiếng cho đến tận hôm nay. Thời thịnh hành (tk. V trCN),
trong vùng có nhiều danh sư đúc kiếm như Can Tướng (
干将, được cho là
người Can Việt), Âu Dã Tử (
欧冶子); Mạc Tà (莫邪) v.v. (theo Ngô Việt Xuân
Thu, Việt Tuyệt Thư). Cuốn Chu Lễ viết “Các loại đồng, thau ở vùng Ngô, Việt
đặc biệt đẹp”. Các di chỉ khoáng sản thanh đồng nổi tiếng có thể kể như Hoản
Nam (nam An Huy), Đồng Lĩnh (Thụy Xương, Giang Tây), Ma Dương (Hồ
Nam) v.v. [Ngô Minh Sinh 1983: 52-57]. Song do sản xuất phát triển, vùng
Ngô Việt sớm thịnh vượng và vươn tầm “tranh bá thiên hạ” để rồi cuối cùng bị
“thiên hạ” thâu tóm vào cuối tk. IV trCN.
Ở phía nam Ngũ Lĩnh, thời kì đồ đồng ở Lĩnh Nam lại rất thịnh đạt.
Cuốn Thái Bình Hoàn Vũ Ký thì gọi vùng Lĩnh Nam là vùng đất “nhiều đồng,
bạc”, “đào xuống vài chục thước là gặp khoáng sản, dân địa phương đào đúc
thành đồ đồng” (có dẫn trong Lĩnh Ngoại Đại Đáp). Theo Stephen
Oppenheimer [1998], thời đại đồ đồng ở Đông Nam Á (bao gồm cả Đông Sơn
và Điền Việt diễn ra cách nay 5000- 6000 năm, thậm chí trước cả Trung Cận
Đông và Trung Hoa, song phải đến nữa sau thiên niên kỷ I trCN mới phát triển
mạnh mẽ (Đông Sơn, Điền Việt).
Ngoài trống đồng – biểu tượng linh thiêng của văn minh Bách Việt vùng
Lĩnh Nam, người ta phát hiện rất nhiều lưỡi cày đồng, rìu đồng, liềm đồng,
cuốc đồng v.v.. với kỹ thuật đúc luyện trình độ cao, phần nào chứng tỏ sinh