người Việt thời kì này đã phân hóa giàu nghèo. Cuối kì văn hóa Tung Trạch lại
tiếp nối bằng văn hóa Lương Chử (3300-2200 trCN), phân bố chủ yếu ở Nam
Giang Tô – bắc Chiết Giang. Nổi bật của nền văn hóa này là nhiều sản phẩm
gốm (đen và xám).
Các di chỉ mộ táng trong vùng cho thấy không những văn hóa vật chất đã
phát triển nổi bật so với các nền văn minh trước mà sự phân hóa giai cấp xã hội
cũng đã định hình rõ nét hơn. Ngành thủ công nghiệp (chủ yếu là đồ ngọc) đã
phát triển song hành cùng ngành nông nghiệp lúa nước [Vương Văn Quang
2007: 3-4, 18-22].
Tại Lĩnh Nam, tổ hợp văn hóa Đại Buộn Khanh cũng trải qua quá trình hình
thành và phát triển văn hóa Việt thời tiền sử với các đặc trưng thành tựu đặc
thù, trong đó đặc biệt thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa Bách Việt cổ và cư dân
Nam Đảo. Meacham [1977: 85] gọi tên nền văn hóa này là Đồ đá ven biển
Bách Việt (Yueh Coastal Neolithic). Không gian phân bố của nền văn hóa này
trải dài từ vùng Mân-Đài xuống hết Lĩnh Nam. Đây cũng là nền văn minh
nông nghiệp lúa nước cổ gắn liền với chiếc nôi lúa nước Đông Ấn – Hoa Nam
– Đông Dương. Tuy nhiên, Đại Buộn Khanh không tạo nên những trung tâm
lớn như Hà Mẫu Độ hay Mã Gia Bang vùng Dương Tử.
Tại phía nam Lĩnh Nam, văn hóa Hòa Bình (18.000-7.500 trước) hình thành
bao trùm hầu hết bán đảo Đông Dương, phía bắc lên đến vùng Lưỡng Quảng.
Các di vật chủ yếu là đồ đá, đồ xương và đồ gốm. Hiện tại, nhiều tác giả tìm
thấy nhiều bằng chứng cho thấy giữa văn hóa Đại Buộn Khanh và văn hóa Hòa
Bình có mối quan hệ mật thiết. Đây là thời kì manh nha hình thành khối Bách
Việt. Theo khảo cổ học, tiền dân Bách Việt có thể đã hình thành từ 3-4 vạn
năm tại Lĩnh Nam, niên đại này hơi sớm vì trong nghiên cứu sự chuyển đổi
yếu tố Đen sang yếu tố Vàng
trong văn hóa Hòa Bình thì mãi đến cuối thời
đá mới mới xuất hiện cộng đồng Mongoloid phương Nam. Chính vì thế, chúng
tôi cho rằng, Bách Việt đã hình thành tại Lĩnh Nam vào cuối văn hóa Hòa Bình
– văn hóa Đại Buộn Khanh cho đến các giai đoạn văn hóa Bắc Sơn – Hạ Long,
tức vào khoảng 10.000 đến 4.000 năm trước. Tác giả Trần Ngọc Thêm [2001]
ước đoán con số này là 5.000 năm.