Chương 2: VĂN HÓA BÁCH VIỆT VÙNG LĨNH
NAM
Trên cơ sở xác định cơ sở lý luận và thực tiễn ở chương 1, chúng tôi tiến
hành khảo sát văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam góc nhìn hệ thống – cấu trúc,
đặc biệt là theo trục từ tư duy đến thao tác, tức từ nhận thức đến hành động.
Chính vì thế, chúng tôi phân văn hóa theo hệ thống các thành tố, bắt đầu từ văn
hóa nhận thức, đến văn hóa tổ chức (văn hóa tổ chức đời sống tập thể, văn hóa
tổ chức đời sống cá nhân) rồi đến văn hóa ứng xử (văn hóa ứng xử với môi
trường tự nhiên và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội). Cấu trúc này được
sử dụng theo tác giả Trần Ngọc Thêm [2001] trong cuốn Tìm về bản sắc văn
hóa Việt Nam.
2. 1. Văn hóa nhận thức
Bề dày văn hóa Bách Việt cổ vùng Lĩnh Nam cùng với đặc thù của tự nhiên
sông nước, khí hậu nóng ẩm địa phương đã tạo nên những nét đặc sắc trong
văn hóa nhận thức. Là một vùng văn hóa tiêu biểu, Lĩnh Nam thừa hưởng
nhiều thành tựu sáng tạo chung của cả Bách Việt. Chính vì thế, việc khu biệt
sản phẩm văn hóa nhận thức của riêng của Lĩnh Nam so với Bách Việt khó có
thể thực hiện được một cách rạch ròi.
Trên bình diện nhận thức về tự nhiên, cư dân Lĩnh Nam cũng như nhiều
cộng đồng nông nghiệp khác đều mang trong mình tư duy lưỡng
phân (dualism) cao do đời sống nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên. Tác giả
Nguyễn Duy Hinh [2004] nhận định dân Bách Việt xưa thiên về tư duy trực
diện, nhận thức gắn chặt với lối sống, biểu hiện cụ thể thành cặp đôi Đực–Cái
và tín ngưỡng phồn thực. Cặp đôi Đực–Cái này trùng hợp ngẫu nhiên với cặp
đôi Sáng–Tối của người Hoa Hạ, và đến khi người Hoa Hạ với tư duy triết học
tốt hơn đã triết lý hóa thành quy luật âm dương. Lê Văn Hảo [1982: 29] cho
rằng tư duy hài hòa và ý niệm đối xứng góp phần tạo nên nét cân đối của hoa
văn gốm Phùng Nguyên
và trống đồng Đông Sơn. Tác giả Trần Ngọc Thêm
[2001: 99-121] bằng phân tích ngôn ngữ học văn hóa chứng minh rằng bản
thân hai khái niệm âm, dương có xuất xứ từ hai khái niệm ina, yang nghĩa là