Trong lịch pháp, cư dân Lĩnh Nam sớm biết đo đạc thời gian và dùng nông
lịch. Chiếc trống đồng Hoàng Hạ được cho là có những bức thiên đồ cho phép
xác định các ngày tiết trong năm bằng cách đo và xác định bóng nắng [Bùi
Huy Hồng 1974: 364-372]. Hơn thế, hệ đếm giờ trong ngày và tháng trong
năm đều nhất quán như vậy. Đó là loại lịch kiến Tý lấy tháng 11 âm lịch làm
tháng khởi đầu năm mới vì nó hoàn toàn phù hợp với kiểu tự nhiên phương
Nam. Nhiều cộng đồng cư dân biệt lập như người Khơ-mú (Kammu) vẫn ăn tết
vào tháng 11. Còn cuốn Đại Nam nhất thống chí có ghi vùng Bất Bạt, Mi
Lương (nay thuộc Hà Tây) đến tk.XIX vẫn lấy tháng 11 làm tháng đầu năm
[Trần Ngọc Thêm 2001]. Nếu tính theo hệ lịch kiến Tý này thì ngày 5 tháng 5
vừa tròn tết Nửa năm. Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Cung
Thông [2009] đã chứng minh tên gọi gốc Việt cổ của 12 con giáp trong dãy
Địa chi phương Đông. Tác giả Nguyễn Tài Cẩn [2000: 21] trước đó cũng từng
tìm thấy mối liên hệ ấy của thìn và rồng/rắn, sửu với trâu, hợi và cúi,
ngọ với ngựa, mão với mèo.
Bảng 2.1: Mười hai con giáp theo âm Việt cổ theo công trình của Nguyễn
Cung Thông
Tác giả Bùi Huy Hồng [1973: 299] có dẫn lịch Bàu Ràn cổ tìm thấy ở
Campuchia được cho là dùng tên 12 con giáp giống với tiếng Việt và tiếng
Mường, tuy nhiên tác giả đã không phân tích sâu về chúng.
Trong nhận thức về con người, người Việt cổ luôn coi con người là một tiểu
vũ trụ, là bộ phận của đại vũ trụ. Quy luật sống và chết hoàn toàn tuân theo
quy luật âm dương của tạo hóa. Sự sống của người Việt xưa bắt đầu từ sự sinh
sôi nảy nở của đất (hạt gạo, hoa màu), do vậy đất là “người Mẹ vĩ đại”. Trong
hôn nhân người Đông Sơn luôn phải có gói muối và nắm đất (âm và dương),
sau có thêm cốm và hồng, trầu và cau. Sự sống bắt đầu từ đất và nước, do vậy