sau khi kết thúc vòng đời, con người lại trở về với đất và nước (thổ táng, quan
tài hình thuyền). Dù vậy, chỉ có thịt xác mới tan rã, còn linh hồn thì tồn tại, cần
siêu thoát. Đây là cơ sở để hình thành các dạng tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ thủ
lĩnh – vua tổ của các chi tộc Việt cổ ở Lĩnh Nam. Nhiều tài liệu khảo cổ cho
thấy cư dân Lạc Việt đã sớm có ý niệm tưởng nhớ tổ tiên, sùng kính các anh
hùng có công với cộng đồng, sớm quan tâm chăm lo đến cuộc sống bên kia thế
giới của người quá cố. Từng có tác giả Nga chứng minh rằng tục thờ cúng tổ
tiên đậm đặc nhất ở Việt Nam [Trần Ngọc Thêm 2001], trong khi đó người
Hoa Hạ khởi thủy thờ linga, sau chuyển sang thờ thủ lĩnh rồi mới đến thờ tổ
tiên.
Người Việt Lĩnh Nam xưa quan niệm “vạn vật hữu linh”, và vì thế thực chất
con người và tự nhiên là một thể, giống như nhận định của tác giả Liêu Minh
Quân [2004: 1-5]: “vật ngã hợp nhất
物我合一”. Họ sùng bái tô-tem, có tín
ngưỡng đa thần, có tục dùng kê bốc để tiên đoán vận mệnh thời thế và các
dạng thức sha-man cổ xưa chi phối tâm lý. Nhận thức về tự nhiên Lĩnh Nam
xưa mang đặc trưng thiên về âm tính. Truyền thống tín ngưỡng thiên hẳn về
thờ nữ thần, chẳng hạn, tục thờ Hồ Điệp Ma Ma (Mẹ Bướm), Hoa Bà trong
văn hóa Choang, tục thờ Tam phủ, Tứ pháp ở Việt Nam v.v..
Cư dân Lĩnh Nam xưa đã sớm biết được quy luật sinh tồn của vạn vật và con
người gắn liền với phồn sinh, chính vì thế tín ngưỡng ấy sớm hiện diện trong
kho tàng văn hóa dân gian trong vùng (xem phần tín ngưỡng).
Việc khu biệt thành tựu văn hóa nhận thức người Bách Việt vùng Lĩnh Nam
so với các vùng văn hóa Bách Việt khác đã khó thì việc phân chia theo các tiểu
vùng bên trong càng khó gấp bội. Sự khác biệt có chăng chỉ có thể là dấu ấn
của tự nhiên đi vào nhận thức, chẳng hạn người Lạc Việt miền biển thờ chim,
rồng, rắn trong truyền thống vật tổ, trong khi cư dân Âu Việt thiên về thờ hươu
nai, cóc v.v..
Tóm lại, với lối sống lấy nông nghiệp làm trọng, cư dân Bách Việt vùng
Lĩnh Nam xưa sớm nhận thức về vũ trụ và nhân sinh để phục vụ cho sự sinh
tồn của chính mình. Quá trình nhận thức gắn liền với thực tế đời sống, do vậy
sản phẩm của nó mang tính dân dã nhưng thiết thực, bao gồm những tri thức
dân gian quan trọng góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Bách Việt.