quân sự, các bằng chứng của các sản phẩm nông sản v.v. cho thấy đây vốn dĩ là
một đô thị cổ đích thực. Mãi đến tk.III trCN, Thục Phán đánh bại vua Hùng,
lập nước Âu Lạc mới xây thành Cổ Loa. Song, Cổ Loa có chức năng hành
chính–quân sự nhiều hơn dân sinh–thương mại, do Âu Lạc bấy giờ đứng trước
sự xâm nhập của người Hán ngày càng sâu và rộng.
H.2.4. Vị trí các thành, cảng thị Lĩnh Nam từ trước tk. II trCN [ vi.wikipedia.org]
Đô thị Lĩnh Nam xưa chủ yếu đóng vai trò quản lý hành chính và quân sự.
Các thành Phong Châu, Cổ Loa, Phọc La, Phiên Ngung đều thuộc dạng này.
Tuy nhiên, các tiểu vùng Nam Việt và Đông Lạc Việt, do có đặc điểm bờ biển
lồi, sớm có những đô thị ven biển chuyên trao đổi thương mại hàng hải. Theo
sử liệu, Phiên Ngung được mô tả là “đại đô hội”, còn các cảng thị khác như Từ
Văn, Hợp Phố (bán đảo Lôi Châu) v.v. cũng là các trung tâm buôn bán lớn.
Hàng hóa trong giai đoạn này đã mở rộng đến mức rất phong phú, từ nông hải
sản, lâm sản, hàng dệt, gốm sứ, hàng luyện kim v.v.. Về phạm vi buôn bán, từ
khi các con đường thủy bộ vượt Ngũ Lĩnh được khai thông, nhà Hán tập trung
khai thác Lĩnh Nam nên quan hệ thương mại song phương trở nên hết sức chặt
chẽ. Sắt là mặt hàng Lĩnh Nam cần nhập từ Trung Nguyên. Lĩnh Nam nhập sắt
cũng là du nhập văn hóa Hán, sắt nhập càng nhiều, quá trình Hán hóa càng
mạnh. Ngoài Trung Nguyên, quan hệ buôn bán Lĩnh Nam với các vùng Bách
Việt khác và phần còn lại của Đông Nam Á cổ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển