văn-hóa được liên tục. Vì có sự phân biệt ấy cho nên trong hạng trí-thức,
người ta cũng nhận thấy hai phương diện khác nhau : một số mà là số rất
đông chỉ chuyên hoạt động về sự tái tạo văn-hóa, tức là hạng duy trì truyền
tiếp văn-hóa ở trong xã-hội và lịch sử ; một số rất ít gồm những người sáng-
tạo văn-hóa, tức là những thiên tài lỗi lạc như Khổng-Khưu, Gia-Tô, Các-
Mác, Lê-Nin, đã tạo ra những giá trị văn-hóa mới, gây ra những cuộc cách
mệnh lớn lao.
Chúng tôi đã nói rằng văn-hóa là thành tích của sự gắng sức của loài
người để thoát ly tự nhiên, hay nói cho rộng ra, để thoát ly hoàn cảnh thực
tại. Sự sáng-tạo văn-hóa khởi điểm ở trong mối đau đớn do hoàn cảnh thực
tại gây ra cho người, hay là ở trong mối hoài nghi của người đối với hiện
trạng. Những người sáng-tạo văn-hóa, tức là những bậc thiên tài trong lịch
sử, đều là những người chịu đựng đau khổ rất giỏi và có rất nhiều năng lực
phi thường để hoạt động, để sáng-tạo lợi khí mà thoát ra khỏi nỗi đau khổ
ấy. Sự sáng-tạo văn-hóa xưa nay vốn là những sự nghiệp hùng dũng, hy
sinh. Trái lại, sự tái tạo văn-hóa chỉ là sự thừa nhận những giá trị hiện có, sự
cố gắng thu thái và truyền đạt những giá trị ấy cho xã-hội hưởng thụ. Một
bên là sáng tác, một bên là bắt chước ; một bên là phản đối, một bên là dung
hợp. Vì tính chất và công dụng khác nhau như thế cho nên hai hạng trí-thức
ấy rất khác nhau. Một bên chỉ sống để tìm giá trị mới, một bên chỉ sống
bằng giá trị cũ.
Trong hạng trí-thức tái tạo văn-hóa này, chúng ta lại phải phân biệt một
số người, hoặc vì quyền lợi riêng, hoặc vì những điều kiện khác xuôi khiến,
hoặc cố ý, hoặc vô tâm, chỉ vận dụng năng lực tinh thần của mình để duy trì
hay bênh vực trật tự cũ, với một số khác ít hơn có cái tự-do thoát ly được
vòng cương-tỏa của quyền lợi cá nhân hay giai-cấp mà nhận rõ những nhu-
yếu và yêu cầu của xã-hội hiện thời, ra sức thừa thụ và tái bồi những giá trị
văn-hóa mới do các nhà trí-thức tiên-tri tiên-giác sáng-tạo ra, để giúp cho sự
tiến-triển của văn-hóa và sự biến chuyển của xã-hội. Con đường hoạt động
văn-hóa của những người này, cũng như con đường sáng-tạo văn-hóa của
các bậc thiên tài, chính là con đường cách mệnh.