Từ khi văn-hóa đã tiến đến một trình độ kha khá, người đã tiến đến
trạng thái kinh tế chăn nuôi và trồng trọt (mục súc và canh nông), vật-phẩm
sinh-sản tiêu dùng không hết, phải để dành, nên sinh ra chế độ của riêng ;
thế là trạng thái bình đẳng đại đồng ở thời nguyên-thủy và thời thị-tộc bắt
đầu biến đổi, mà trong xã-hội bắt đầu nẩy mối phân-hóa. Bọn đàn ông đã
dần giữ địa vị trọng yếu trong sự hoạt-động kinh tế, nên đã thành chủ-nhân
trong thị-tộc phụ hệ, dần dần sinh ra gia-tộc phụ-quyền và chế-độ nô lệ. Thế
là trong xã-hội đã sinh ra sự chia rẽ và sự xung đột giữa người với người.
Văn-hóa là lợi khí bấy lâu người ta chỉ dùng để đối phó với tự nhiên, bây
giờ người ta lại đem dùng để đối phó với người nữa.
Các thị-tộc vì cớ mở rộng phạm vi sinh hoạt, hoặc do đường lối khác,
đã tiến lên thành những tổ-chức rộng hơn là bộ lạc và quốc gia. Đại khái sau
khi trạng thái bình đẳng của thị-tộc đã suy thì các bộ-lạc và quốc gia đều
theo chế độ nô lệ, những quan niệm công cộng và bình đẳng nhường chỗ
cho những quan niệm riêng biệt và chênh lệch, ví như những quan-niệm
nam tôn nữ ti, quan-niệm luân thường đạo nghĩa, quan-niệm quân tử tiểu
nhân ở xã-hội Trung-hoa xưa, toàn là những quan niệm của một lớp người
có thế lực (đàn ông và quí-tộc) tạo ra để đè nén đại đa số yếu hèn (đàn bà và
nô lệ). Giai-cấp thống-trị dùng những giá trị văn-hóa mới – họ đã bắt đầu tạo
ra những giá trị ấy chính từ khi họ muốn thoát ra ngoài những điều kiện của
chế độ thị tộc cũ – để củng cố địa vị và quyền lợi của họ.
Trong khoảng ấy, dân chúng nô lệ tất nhiên cũng phát sinh những quan-
niệm trái ngược để đối phó lại. Sự phản ứng của dân chúng trong mỗi xã-hội
tuy vốn theo nhiều điều kiện như địa lý và nhân chủng mà thành tính chất
riêng biệt, nhưng đại khái cái lòng mong mỏi giải thoát của người ta đều in
nhau. Mộng tưởng nát bàn của dân Ấn-độ cũng như mộng tưởng đại đồng
của dân Trung-hoa và mộng tưởng thiên-quốc của dân Do-thái, đều là những
nỗi ao ước khao khát của dân chúng nô lệ để đối phó với cuộc sinh hoạt đau
đớn khổ sở của họ. Những nhà giáo chủ như Thích Ca, Mặc-Địch, Khổng-
Khưu, Gia-Tô, chỉ là những nhân vật thiên tài, cảm sâu thấy rõ những mối
tình-tứ âm thầm của dân chúng mà biểu hiện ra thành lý tưởng, chớ chẳng