phải là bằng không mà hư tạo ; những lý tưởng mới đều có hàm ý nghĩa bình
đẳng cả, đều là những giá trị văn-hóa mà dân chúng khổ sở đương đợi chờ
mong mỏi để thoát khỏi sự áp bức bóc lộ của giai-cấp quí tộc thống-trị.
Cũng có khi nỗi bất bình của dân chúng nổ bùng thành những cuộc phản-
kháng bạo-động, ví như những trận bạo-động của dân nô lệ ở La-mã. Những
cuộc bạo-động ấy tuy trước sau đều thất bại, nhưng chính ảnh hưởng gián
tiếp xa xôi của nó là đã dồn chế độ nô lệ dần dần đến chỗ nguy vong.
Dưới chế độ nô lệ, vì chiến tranh và vì kinh tế phát triển, sự phân-hóa
ngấm ngầm đã dần dần đem dân chúng nông nô bán tự-do mà thay cho dân
chúng nô lệ, và đem một giai-cấp mới, giai-cấp quí tộc phong kiến, mà thay
cho giai-cấp quí tộc súc-nô xưa. Ở Tây Phương, giai-cấp phong kiến lợi
dụng ngay cơ-đốc-giáo là biểu hiện của những ước ao mộng tưởng của dân
chúng nô lệ xưa mà làm lợi khí thống-trị và bóc lột dân chúng nông-nô
đương thời. Giáo chỉ của Gia-Tô vốn là phúc âm gieo rắc ái tình và hy vọng
vào lòng dân chúng cùng khốn, đến đầu thời trung cổ, bỗng biến thành một
tôn giáo uy hiếp ngu dân. Dân chúng vừa còm lưng khổ sở trước bọn quí tộc
chư hầu mà làm trâu ngựa, lại phải cúi đầu sợ hãi trước các giáo sĩ lớn nhỏ
là đại biểu của Thượng-đế. Luôn luôn họ sống trong cảnh đau đớn và khủng
khiếp. Trong các giáo đường, những ảnh tượng hình dung các hình phạt rùng
rợn ở địa ngục luôn luôn nhắc nhở cho họ rằng phải yên phận làm trâu ngựa
nếu họ muốn tránh khỏi hình phạt.
Nhưng cái văn-hóa phong kiến của bọn địa chủ chư hầu và giáo sĩ
không sống lâu được mãi. Ngay từ thế kỷ thứ 11, trong lớp dân chúng nông
nô đã tách ra một lớp người tài-tuấn dũng cảm hơn, ra sức tranh đấu để thoát
khỏi phạm vi thống-trị của bọn địa chủ, tức là những kẻ thủ công và thương
nhân. Nhờ kinh tế phát triển, bọn này dần dần có tiền và có thế, nên sự
chống đối với giai-cấp quí tộc càng thêm kịch liệt. Ngoài sự dùng tiền của
làm lợi khí tranh đấu, họ còn thể hiện những hoài-bão và yêu cầu của họ
thành những quan niệm mới như quan niệm tự-do, quan niệm cá nhân, quan
niệm dân chủ, quan niệm kết xã, quan niệm lao động thánh thần, v.v… để
làm vũ khí tinh thần. Cơ-đốc-giáo đối với lớp người mới nầy không phải là