thế giới ngày nay là phần tử thừa hưởng cái di sản văn-hóa của nhân loại, cái
di sản gồm những giá trị mà nhân loại xưa nay đã tạo ra để tranh đấu với tự
nhiên và để thoát khỏi cái tình trạng vật hóa giữa xã-hội. Cái di sản ấy họ
không phải nhờ ai trao lại cho, mà phải tranh đấu mới dành lấy được. Cuộc
tranh đấu tất nhiên là gay-go khó nhọc nhưng họ dành được phần nào thì,
đương sung sức, đương đầy sinh khí để tiến thủ, họ đem hết cả não tủy
xương máu mà bồi bổ và phát triển thêm, khiến ta có thể nói rằng họ phục
sinh cho văn-hóa. Đến khi họ đã đủ sức lật đổ được trật tự hiện tại của xã-
hội mà giải thoát cho những tầng lớp bị áp bức cuối cùng của loài người thì
cái văn-hóa do họ phục sinh sẽ không phải dùng để đối phó với người nữa
mà chỉ dùng để thực hiện cái vận mệnh quang vinh của nhân-loại.
*
Ta xem thế thì văn-hóa ngày nay với cái ý nghĩa tốt đẹp của nó, là kết
quả của sự hợp tác của toàn-thể nhân loại trên thế giới trải qua các thế hệ,
chứ không phải là của một giai-cấp nào riêng. Khi Ni-Sơ (Nietzsche) nói
rằng : « Kẻ sáng-tạo buổi đầu là các dân chúng, rồi mãi về sau mới là cá
nhân », là người muốn nói rằng sáng-tạo Văn-hóa nguyên sơ là công việc
của dân chúng. Nào ai có biết tên tuổi những người phát minh ra lửa, phát
minh ra quần áo, nhà cửa ? Nào ai có biết tên tuổi những người đặt ra các
thần thoại và truyền kỳ ? Tuy lịch sử Trung-hoa chép tên Phục-Hy, Thần
Nông, là những vị thánh-nhân sáng-tạo văn-hóa, nhưng những tên ấy thực ra
là tiêu biểu cho toàn-thể dân chúng ở một giai đoạn lịch sử chứ không phải
là tên người. Về sau, khi người dần dần đã tự giác được nhân cách của mình,
thì trong lịch sử mới thấy thỉnh thoảng có tên những người sáng-tạo, ví như
Thích-Ca, Mặc-Địch, Khổng-Khưu, Gia-Tô, cùng nhiều nhà triết-học, khoa-
học và nghệ-thuật. Sang đời trung cổ, trải qua cuộc nhân tâm tự giác ở Tây
phương, thì cái tính của người ta phát triển mạnh thêm, từ đó người ta càng
thấy rõ cá nhân dự vào việc sáng-tạo văn-hóa. Nhưng thực ra, các cá nhân,
dù là thiên tài hay lỗi lạc, cũng không có thể tự một mình mà sáng-tạo gì cả.
Chúng tôi đã nói ở trên rằng đến các nhà giáo-chủ lớn trong thế giới cũng
chỉ là biểu hiệu những hy vọng và mộng tưởng của đại đa số dân chúng. Sự