« Histoire de la civilisation en Europe » của Guizot chữ hán dịch là
歐洲文
明史 ; Sách « History of civilization in England », chữ hán dịch là 英國文明
史.
Còn chữ culture theo nghĩa hẹp cùng chữ cultiver, cultivé, thì người
Tàu tùy theo từng « ca » mà dịch là giáo-hóa
教化, đào-luyện 陶鍊 v.v… Ở
đây chúng ta hãy nói riêng về nghĩa rộng của các chữ civilisation (hay
civilization) và culture mà người Tàu dịch là
文化, và nghĩa hẹp của chữ
civilisation (và civilization) mà người Tàu dịch là
文明.
Hiện nay chúng ta dùng hai chữ văn-hóa và văn-minh là mượn chữ của
người Tàu thì tất chúng ta phải theo nghĩa của người Tàu đã định trong một
phần nào.
Theo sách Từ-Hải
辭海 là sách từ-điển có giá trị và mới nhất của người
Tàu, thì văn-hóa
文化 (culture) theo ý nghĩa mới là cái « thành tích của sự
gắng-sức của loài người do dã-man mà đến văn-minh, thành tích ấy biểu
hiện ở các phương diện là khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, pháp luật,
phong tục, tập quán. Tổng thể của các cái ấy gọi là văn-hóa (culture) ».
Chữ văn-minh
文明 (civilisation) theo ý nghĩa mới, thì sách ấy giải
thích là « trạng thái khai hóa của xã-hội loài người ; dùng làm hình dung từ
thì chữ ấy đối đãi với chữ dã-man (barbarie) ».
Theo sự dùng thông thường lâu nay của chúng ta thì thấy những chữ
văn-hóa và văn-minh cũng không khác gì nghĩa những chữ
文化 và 文明 ấy.
Vậy thì chữ văn-hóa tôi bàn ở mục sau này là theo ý nghĩa thường
dùng của ta, hợp với ý nghĩa của chữ
文化 nghĩa này giải thích trong sách
Từ-Hải, tương đương với chữ civilisation (hay civilization) và chữ culture
theo nghĩa rộng, mà chữ văn-minh cũng là theo ý nghĩa của chữ
文明 nghĩa
này giải thích trong sách Từ Hải, tương đương với chữ civilisation (hay
civilization) nghĩa hẹp. Còn chữ culture chỉ cái tích trình giáo hóa cá nhân
thì chúng ta chưa bàn đến.
VĂN-HÓA VỚI VĂN-MINH