pháp-luật, chế-độ, lễ-nghi, đạo-đức để cho sự sinh hoạt càng ngày càng có
quy củ, có trật tự, có tổ-chức hơn. Bao nhiêu những giá-trị về nghệ-thuật
tôn-giáo, triết-học, khoa-học, văn-học, tục-lệ, pháp-luật, chế-độ, lễ-nghi,
đạo-đức là những giá-trị tinh thần, gọi chung bằng văn-hóa tinh thần.
Thực ra thì sự phân biệt văn-hóa vật chất và văn-hóa tinh thần rất là
miễn cưỡng, vì chính cái giới hạn giữa vật chất và tinh thần vốn là một giới
hạn rất lờ mờ. Lại có những cái như ngôn-ngữ, văn-tự là giá-trị văn-hóa mà
chúng ta không thể đặt hẳn nó về phần vật chất hay phần tinh thần. Trong
ngôn-ngữ có phần thanh-âm, trong văn-tự có phần tự-hoạch vốn là vật chất,
nhưng lại cũng có ngữ pháp thì mới thành ngôn ngữ, có văn-pháp thì mới
thành văn-tự, mà ngữ-pháp và văn-pháp thì lại là những cái thuộc về tinh
thần. Nhưng dẫu sự phân biệt là miễn cưỡng mà chúng ta cũng phải phân
biệt để cho sự thảo luận được rõ ràng. Đã không tránh được, chúng ta phải
tìm một cái tiêu chuẩn cho sự tạm phân biệt giá-trị vật chất và giá-trị tinh
thần ấy có căn cứ.
Chúng ta đã biết rằng phàm giá-trị văn-hóa đều là sản phẩm của tinh
thần tức là có tính chất tinh thần cả. Song có những giá-trị người ta tạo ra là
nhằm vào một cái mục-đích vật chất, ví như các thứ kỹ-thuật, các phương-
thức hoạt động kinh tế là cốt để thỏa mãn những nhu-yếu vật chất trước đã,
dẫu cũng có khi nó có thể thỏa mãn nhu-yếu tinh thần, nhưng đó chỉ là kết
quả gián-tiếp hoặc hậu-thiên. Những giá-trị ấy chúng ta gọi chung nó là giá-
trị vật-chất, gồm thành phần văn-hóa vật chất. Trái lại, những giá-trị như
nghệ-thuật, văn-chương, tôn-giáo, triết-học, khoa-học, tục-lệ, pháp-luật, chế-
độ, v.v… là những cái người ta tạo ra cốt để thỏa mãn những nhu-yếu tình-
cảm, trí-thức hoặc xã-hội, dẫu cũng có khi nó có thể thỏa mãn được những
yêu cầu vật chất, nhưng đó cũng chỉ là kết quả gián tiếp hay hậu thiên.
Những giá-trị ấy, chúng ta gọi chung nó là giá-trị tinh thần, gồm thành phần
văn-hóa tinh thần.
Bây giờ chúng ta hãy đem đối chiếu sự phân tích văn-hóa đó với cách
định nghĩa văn-hóa của sách Larousse du XX
e
siècle và của sách Từ-Hải.
Chúng ta thấy cách định nghĩa của họ chỉ gọi là văn-hóa – cái mà ở đây tôi