gọi là văn-hóa tinh thần, còn những cái mà tôi gọi là văn-hóa vật chất thì bị
loại ra ngoài. Tôi xin nói ngay rằng dẫu tôi đồng ý với các sách ấy về sự
phân biệt văn-hóa với văn-minh, đối với cái quan-niệm văn-hóa của họ mà
tôi cho là hẹp hòi thì tôi không thể theo hẳn được. Những ý kiến của tôi bày
tỏ từ trước đến giờ đã bài bác gián tiếp cái quan-niệm ấy, ở đây tôi không
phải bàn cãi lại nữa. Theo quan-niệm ấy thì văn-hóa chỉ là cái mà Các-Mác
gọi là thượng-tầng kiến-thiết (super-structure) của xã-hội, xây dựng ở trên
cái hạ-tầng cấu-tạo (infra-structure) vật chất mà thôi.
Cái nền tảng bề dưới ấy là do hình thái kỹ-thuật và hình thái kinh-tế
cấu thành, cho nên chúng ta có thể nói rằng hạ-tầng cấu-tạo là nền văn-hóa
vật chất.
Cái thượng-tầng kiến-thiết, Các-Mác cũng gọi là ý-thức-hệ (idéologie).
Dùng về số ít thì chữ ấy chỉ những « ấn tượng, ảo tưởng, tư tưởng, nhân sinh
quan », cùng tất cả những hiện tượng ý thức do tinh thần của người tạo ra.
Những ý thức ấy là phản-ảnh, là hồi-hưởng của sự sinh hoạt của người ta ở
trong xã-hội, cho nên nó lại theo từng phương diện của sự sinh-hoạt mà tổ-
chức thành những hệ-thống ý-thức hay ý-thức-hệ – số nhiều – các ý-thức-hệ
ấy gọi là đạo đức, tôn-giáo, triết-học, văn-học, nghệ-thuật, khoa-học, tục-lệ,
pháp-luật, v.v… gồm thành văn-hóa tinh thần.
Bây giờ chúng ta có thể tóm tắt sự phân tích trên mà nói rằng văn-hóa
là cái tổng-thể gồm những thành phần rất phức tạp, đại khái có thể chia ra
hai phần lớn : một là những giá-trị vật chất mà người ta thường gọi là văn-
hóa vật chất, tức là cái mà Các-Mác gọi là hạ-tầng cấu-tạo ; hai là những
giá trị tinh thần mà người ta thường gọi là văn-hóa tinh thần, tức là cái mà
Các-Mác gọi là thượng-tầng kiến-thiết hay ý-thức-hệ.
VĂN-HÓA VỚI SÁNG-HÓA
Chúng ta đã biết văn-hóa khác với ý-thức-hệ thế nào. Nhưng vì văn-hóa
vốn là sản phẩm của tinh thần cho nên người ta vẫn cho nó là một cái gì có
tính chất tinh thần, thuần túy tinh thần. Dù có nhận văn-hóa là gồm cả những