đề giáo-hóa mà quên hẳn vấn đề văn-hóa chung. Đành rằng giáo-hóa là một
thành phần quan trọng trong tổng thể văn-hóa, nó lại là cái lợi khí để tăng
tiến năng lực tinh thần của cá-nhân để xúc-tiến sự tiến-bộ của văn-hóa,
nhưng nó vẫn chỉ là một phần của văn-hóa, không thể lộn bộ phận với toàn-
thể được. Vậy thì chữ culture dùng theo nghĩa ấy, chúng ta phải dịch là giáo-
hóa chứ không nên dịch là văn-hóa.
Chữ homme cultivé hay esprit cultivé trong tiếng Pháp là chỉ người có
culture theo nghĩa này, nghĩa là người có giáo-hóa, tinh thần được đào-luyện
nên không có cục-xúc, hẹp hòi, thô-kịch, tức là người có tinh thần ưu-nhã,
khoát-đạt sáng-suốt, tinh vi, là người « có đủ năng lực để thưởng thức, lý
giải hoặc sáng tác công trình kiến-thiết của loài người ». Người Tàu – theo
hai ông Đặng-thái-Mai và Nguyễn-hữu-Đang – dịch chữ esprit cultivé là
văn-hóa nhân
文化人. Tôi tưởng dịch như thế là sai, là lạm dụng chữ văn-
hóa. Song dẫu người Tàu có quen dịch như thế nữa thì chúng ta cũng bất tất
phải bắt chước, vì theo tôi biết, thì tòng lai người mình tuy đã dùng chữ văn-
hóa rất nhiều, mà chữ văn-hóa nhân thì chưa hề một ai dùng đến.
VĂN-HÓA VỚI VĂN-HÓA
Chúng ta đã nhận rõ sự phân biệt của văn-hóa với văn-minh, với ý-
thức-hệ với sáng-hóa và giáo-hóa. Chúng ta đã thấy rằng văn-minh là một
trạng thái tương đương với trình độ khá cao của văn-hóa, ý-thức-hệ là phần
trên của văn-hóa, sáng-hóa là lịch trình sáng-tạo của văn-hóa và giáo-hóa chỉ
là một phần riêng của văn-hóa, mà văn-hóa thì gồm tất cả những hình thức
sinh-hoạt vật chất và tinh thần của người ta từ buổi nguyên thủy đến nay.
Theo quan niệm ấy thì văn-hóa không những là tài sản chung của cả loài
người được hưởng mà cũng là do cả loài người cấu tạo. Vậy thời hoạt động
văn-hóa là công việc của tất cả mọi người.
Nhưng, như tôi đã nói ở chương nhất, sự hoạt động văn-hóa có ý nghĩa
khác hẳn với sự sinh hoạt thường. Ở đây tôi muốn chỉ rõ những điều kiện
của sự hoạt động văn-hóa và nhân đó chúng ta sẽ thấy cái chân tướng của
văn-hóa được rõ thêm.