hiện một. Những giá-trị mới xuất hiện được là nhờ các giá-trị cũ đã mở
đường và sắm sẵn điều kiện thuận tiện. Những giá-trị cũ cũng nhiều khi
dùng được lâu dài mà những sự phát minh mới chỉ là cải thiện giá-trị cũ
thôi. Văn-hóa là một thể liên tục, không phải chỉ gồm có những giá-trị mới
sáng-tạo mà lại gồm tất cả những giá-trị cũ tái tạo. Những giá-trị cũ không
được tái-tạo là mất hẳn trong văn-hóa, nhưng những giá-trị cũ được tái-tạo
thì lại chiếm một phần rất lớn trong tổng thể văn-hóa. Xem thế thì sự hoạt
động văn-hóa không phải chỉ là sáng-tạo giá-trị mới, mà phần nhiều là tái-
tạo giá-trị cũ. Một nhà văn, một nhà báo, sau khi đã hưởng thụ những giá-trị
văn-hóa lại đem những điều sở đắc của mình mà viết sách, viết báo, tức là
tái-tạo những giá-trị văn-hóa cũ để chuyển đạt cho công chúng hưởng thụ,
thế cũng là hoạt động văn-hóa. Một người giáo-sư dạy học, cứ theo những
điều đã học trong thư-tịch mà dạy lại, một người giáo-sĩ giảng đạo cứ theo
những điều đã học trong kinh điển mà giảng lại, tuy không phải là sáng-tạo
giá-trị văn-hóa mới, nhưng cũng là tái-tạo giá-trị văn-hóa cũ để truyền đạt
cho người khác hưởng thụ, chúng ta cũng có thể xem sự hoạt động của họ là
hoạt động văn-hóa.
Tóm tắt những điều trên, chúng ta nên nhận rằng sự hoạt động văn-hóa
là gồm hai hình thức : sáng-tạo giá-trị văn-hóa mới và tái-tạo giá-trị văn-
hóa cũ.
Nhưng giả sử có một nhà triết-học thiên tài cấu tạo trong trí-tuệ một
học thuyết trác tuyệt, nhưng người ấy chưa kịp viết thành sách cũng chưa
kịp truyền cho môn đồ mà bỗng chết đi ; giả sử có một nhà thi-sĩ ngâm một
bài thơ mới làm rất hay giữa chỗ rừng hoang, hoặc một nhà nhạc-sĩ như Bá-
Nha đánh một bản đàn mới đặt rất hay trên bờ sông vắng mà không có Tử-
Kỳ nghe trộm, chúng ta thử hỏi cái học thuyết trác tuyệt ấy cùng bài thơ, bài
nhạc tuyệt diệu ấy có thể gọi là những giá-trị văn-hóa được không ? Tôi quả
quyết đáp rằng không, vì các giá-trị ấy không sống vào trong xã-hội thì dẫu
có cũng như là không có.
Tới một bước nữa, chúng ta lại giả thiết một nhà thi-sĩ, trong một cuộc
hội họp văn-nghệ, ứng khẩu đọc một bài thơ rất hay, nhưng sau đó người ấy