Ở thời nhà Lý tín-ngưỡng thiên-nhiên đã nối đạo Lão và đạo Phật với
ngành Thiền-Tôn, cho nên ở triều-đình cũng như trong giới trí-thức người
ta thấy lưu-truyền nhiều chuyện về thần-thông của các nhà Thiền-sư, nào
chuyện Nguyễn-Bông, Giác-Hoàng, Từ-Đạo-Hạnh, Lê-Văn-Thịnh, sư
giáng-hổ, giáng-sấm, thủy-cung gọi nước v.v… Nay chỉ xin kể lại sự-tích
nhà Thiền-sư Từ-Đạo-Hạnh để thấy tư-tưởng ma-thuật, tư-tưởng linh-hồn
và tư-tưởng tâm-linh trà-trộn với nhau mật-thiết.
Từ-Đạo-Hạnh mà nay có tượng thờ ở chùa Láng là nơi danh-tiếng gần
Hà-nội, vốn là con Từ-Vinh nguyên làm chức Tăng-quan-đô-sát đã Trụ-trì
chùa này từ đời Lý-Nhân-Tôn (1077-1127). Vinh từng du học ở làng Yên-
Lãng (làng Láng) cho nên gọi là chùa Láng, và Từ-Đạo-Hạnh là Đức-
Thánh-Láng.
Từ-Vinh lấy vợ họ Tăng, Tăng thị sinh con trai là Từ-Lộ, tức là Từ-
Đạo-Hạnh, Ít tuổi Từ-Lộ có tính ngông-nghênh, ngày thường ông kết bạn
với nho-giả Phi-Sinh, Đạo-sĩ Lê-Toàn-Nghĩa và con hát Vi-Ất. Tối thì chịu
khó đọc sách, ngày thì đánh cầu thổi sáo, đánh bạc làm vui. Cha Từ-Vinh
thường trách là lười biếng. Một đêm cha lén vào phòng ngủ dòm trộm, thấy
đèn chong suốt đêm, sách vở chồng đống. Từ-Lộ thì tựa án ngủ, tay không
buông sách, từ đấy cha không lo nữa.
Sau Từ-Lộ dự kỳ thi Tăng-quan, liền đỗ thứ nhất khoa thi Bạch-Liên-
khoa, cũng như cha thủa trước. Bạch-Liên vốn là tên một tôn trong Phật-
giáo do nhà-sư Tuệ-Viễn đời Tấn (265-419) bên Tầu tổ-chức một xã Bạch-
Liên, lấy « qui y tịnh độ » làm tôn-chỉ. Về sau dòng này biến thành một
dòng mượn đạo Phật để lợi-dụng phép « sấm vĩ phù lục » là phép ma-thuật.
Từ-Vinh thường dùng tà-thuật quấy Diên-thành-Hầu. Hầu nhờ Pháp-
sư Đại-Điên dùng phép đánh chết. Thần tích chùa Láng, chùa Thầy và các
nơi thờ Từ-Đạo-Hạnh có nói rằng Từ-Vinh dùng phép tàng hình lẩn vào
trong hậu cung của Diên-thành-Hầu để ghẹo cung-phi. Hầu nhờ Đại-Điên
bắt. Một hôm Đại-Điên lấy gio rắc trước cửa phòng cung-nhân rồi đọc chú,
vẽ bùa và giao cho cung-nhân một cuốn chỉ ngũ-sắc. Đại-Điên dặn cung-