túc-trí thần-thông bèn quay về Yên-Lãng để trả thù cho cha. Khi đến cầu
Yên-Quyết, Vu-Quyết làng Cót trên sông Tô-Lịch, Lộ phóng cái trượng
trên mặt nước, trượng đứng xửng lên rồi đi như bay ngược lên cầu Tây-
Dương là chỗ xưa kia cái thây Từ-Vinh đứng trước nhà Hầu-Điên-Thành.
Mừng rằng phép của mình thắng được phép của Đại-Điên, Lộ đi thẳng đến
tận nơi, thì Đại-Điên nhắc lại việc trước. Lộ mới trông lên trời thấy yên
lặng bèn đánh chết Đại-Điên rồi vứt xác xuống Tô-Lịch. (Vì thế nên hàng
năm cứ ngày hội chùa Láng, có lệ rước thánh giá qua chùa Yên-Quyết,
Dịch-Vọng là chùa của Đại-Điên trụ-trì để diễn lại việc đánh nhau).
Sau khi thù cha đã sạch, Từ-Lộ đi thăm các từng-lâm để tham-thiền
học đạo, rồi lại trở về núi Sài-Sơn tu luyện, một ngày một đắc-đạo hơn, sai
khiến được cả sơn-cầm dã-thú và ra tay phù-lục chữa bệnh hiệu-nghiệm
như thần.
Còn Đại-Điên thì xác theo dòng sông trôi đến bãi Trung-Loan thuộc
địa phận Trường-An-Lương (Ninh-Bình). Dù xác thịt đã nát, tinh-phách
hãy còn, hóa thành đứa tiểu-đồng ở trong mo cây cau ngã xuống, biết nói
ngay, tự-xưng là Giác-Hoàng (Vua Giác tức là Phật). Vào năm Ất-Vị
(1115) đời vua Nhân-tôn dân Thanh-Hóa, vì Trường-An bấy giờ thuộc xứ
này, mới tâu vua biết. Vua sai đi xem quả-nhiên thông minh tú lệ, bèn
truyền cho đưa về ở chùa Báo-Thiên, chỗ hiện nay là nhà thờ lớn Hà-nội.
Vua định dùng Giác-Hoàng làm Hoàng-Thái-Tử, quân-thần đều can-ngăn,
nói nếu Giác-Hoàng thật có linh-dị thì nên đầu thai vào cung. Vua cho lập
đàn Thác-thai ở chùa Báo-Thiên. Ông Hoàng-Xuân-Hãn đã dịch đoạn sự-
tích này ở « Việt-sử-lược » đời Trần và « Thiền-Uyển Tập-Anh-Ngữ-Lục »
như sau :
« Vua mới sai đặt trai-đàn trong cung, muốn sai Giác-Hoàng đầu thai
để làm con mình. Có vị sư ở núi Phật-Tích tên Từ-Lộ hiệu Đạo-Hạnh nghe
tin ấy lấy làm lo. Sư bèn giao cho em gái vài hạt châu có làm phép và dặn
rằng : « Đến xem hội hãy dắt châu vào mái nhà, đừng để ai thấy ». Từ-thị
làm đúng như lời. Bỗng-nhiên Giác-Hoàng phát cơn sốt mà ốm. Y bèn nói