Trước hết là trong câu chuyện tư-tưởng pháp-thuật thuộc về tín-
ngưỡng thiên-nhiên với tư-tưởng linh-hồn thuộc về tín-ngưỡng tổ-tiên đã
luôn luôn gặp-gỡ pha trộn làm cho tính-cách mâu-thuẫn của hai loại tín-
ngưỡng hầu như mất cả biên-giới.
Một ngôi chùa mà thờ một vị sư coi như một vị Thánh với tượng nhà
vua đứng đàng trước, vị Sư Thánh đứng liền đàng sau, đấy đã là một sự lạ.
Rồi đến việc Từ-Vinh dùng pháp-thuật làm việc dâm đãng để bị một vị
pháp-sư cao tay khác đánh chết ! Ở đây ta thấy rằng trong tín-ngưỡng
thiên-nhiên chuộng về ma-thuật cũng còn có đường tà đường chính. Năng-
lực sinh-lý ở trạng-thái bản-năng tình-dục có thể trở nên một sức mạnh
động cơ ghê gớm, nó có thể thúc đẩy người ta càng thêm dâm-dục, nó có
thể được siêu hóa thành năng-lực tinh-thần để trị tà-ma được, khi nào ở một
bản-lĩnh chân-chính như Đại-Điên chẳng hạn.
Nhưng Từ-Lộ phải trả thù cho cha tìm đánh chết Đại-Điên, dù biết cha
có lỗi, thế là ý-nghĩa gì ? Khổng-tử nói ở Luận-Ngữ trả lời kẻ tố cáo cha ăn
trộm dê, vì tính chính-trực, vì công-lý rằng : « Người chính-trực của phái ta
khác, dẫu cha có lỗi thì con giấu cho cha, mà con có lỗi thì cha giấu cho
con, chính-trực ở tại bên trong ». Bởi vậy mà Từ-Lộ chịu ảnh hưởng đạo
Nho, không biết đến cái lỗi của cha, chỉ biết làm con phải trả thù cho cha,
là Từ-Vinh, ngõ-hầu rửa sạch oán-hận để linh-hồn cha mình được siêu
thoát. Hành-động trả-thù cho người thân vừa thuộc về tín-ngưỡng nghiệp-
báo, vừa thuộc về tín-ngưỡng linh-hồn tổ-tiên. Nghiệp-báo là một tín-
ngưỡng cố-hữu của các dân-tộc cổ-xưa mà sau Phật-giáo đã đồng-hóa vào
làm cương-lĩnh cho giáo-lý giải-thoát. Có rửa sạch nghiệp trong lòng thì
mới giải-thoát được, bằng không thì nhắm mắt không xong, dù có chết ở
thể-xác mà hồn còn vơ-vẩn không đi thoát. Nhưng đạo Phật không cho
phép « Tăng hận cách túc », nhà sư không được oán hận qua sang đêm
khác kia mà ! Như vậy Từ-Lộ cốt đi học phép thuật bảo là Thế-Tôn và
Quan-Thế-Âm, hai vị đại-diện cho đức Từ-Bi Bác-Ái thì đã đi sai cả chủ-
trương của Phật-giáo. Vả lại ngay cả ở đạo Lão phát-triển tín-ngưỡng thiên
nhiên, tin khả-năng ma-thuật mà theo Đạo-Đức-Kinh cũng « lấy đức báo