nhà vua là Hòa-Thượng, Hoàng-hậu là sư-ni, các công-thần vương-tử họp
thành giáo-hội ».
Một phong-trào văn-hóa phổ-thông và lâu bền như thế làm thế nào
khỏi ảnh-hưởng thâm-trầm vào tinh-thần dân-tộc. Nếu quả Phật-giáo có
mầu yếm-thế chán đời, như thời nay người ta thường nói, thì làm thế nào
tinh-thần dân-tộc Việt-Nam đã tỏ ra dũng-mãnh nhất ở thời-đại Lý, Trần,
mà cuộc chiến thắng với quân Nguyên đã chứng-minh rõ-rệt ? Muốn giải
thích điều nghi-vấn ấy, chúng ta chỉ cần giở lịch-sử Phật-giáo Việt-Nam và
Khóa-hư-lục của Trần-thái-Tôn cũng đủ biện-bạch. Đọc đến bài tựa Khóa-
hư-lục của Thái-Tôn bất giác chúng ta tưởng như đọc sự-tích Phật khi bỏ
cung-điện, vợ, con đang đêm vào núi vậy :
« Năm Chánh-Bình thứ năm, giờ thân, tháng tư, đêm mồng ba, mặc áo
thường ta, ra khỏi cửa cung gọi tả hữu mà bảo : Trẫm muốn ra chơi ngoài
cung, ẩn nghe dư-luận của nhân-dân để xét chí-nguyện của dân, họa may
biết được sự khó-khăn vất-vả. Đi theo lúc ấy chẳng qua bảy, tám người.
Đêm hôm ấy giờ Hợi, một mình cưỡi ngựa đi trốn, sang sông đi về phía
Đông. Sang rồi bèn nói rõ sự tình cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc-nhiên cũng
sa nước mắt mà khóc. Ngày hôm sau giờ Mão đi đến Đại-Than, bến đò
Phả-Lại. Sợ có người ngoài biết, lấy vạt áo che mặt mà sang sông. Qua
sông thì lần theo đường núi mà đi.
« Đến quá trưa, vào tạm nghỉ ở Chùa Giác-Hạnh. Sáng sớm lại đi,
vượt ải qua đèo, lặn suối trèo non, mệt mỏi đến không sao tiến bước được
nữa.
« Trẫm bèn xuống ngựa vịn đá mà đi. Đến giờ Mùi thì đến chân núi
Yên-tử. Sớm hôm sau trèo lên đỉnh núi tìm gặp Quốc-Sư là Sa-Môn trong
phái Trúc-Lâm. Nhà sư gặp thì mừng rỡ, thong thả nói với Trẫm rằng : «
Lão tăng ở sơn dã đã lâu, xương cứng da mồi, ăn rau ăn hạt, uống nước
suối chơi trong rừng, lòng nhẹ như mây nổi theo gió mà đến đây. Nay bệ-hạ
bỏ địa-vị làm chủ nhân-dân, nghĩ đến kẻ hèn nơi rừng hoang này, quả có
điều gì khích động mà đến đây chăng ? » Trẫm nghe nói hai hàng lệ tuôn