Hoàn-cảnh địa-lý, khí-hậu của văn-minh Đông-Tây khác nhau ở ngay
từ nguồn gốc khởi phát. Văn-minh Đông-phương ở khu-vực Trung-Hoa
hay Ấn-Độ đã nẩy-nở tại lưu-vực các dòng sông lớn giữa lục-địa chạy dài
không gián đoạn từ ôn-đới xuống nhiệt đới, còn văn-minh Tây-phương ở
khu-vực Hy-Lạp hay La-Mã đã sinh trưởng ở nơi hải-đảo hay bán-đảo
chính giữa ôn-đới hầu như cách biệt với lục-địa. Do đấy mà ngay từ bước
đầu nhân-loại Tây-phương đã hướng về đường thông-thương để phát-triển,
còn nhân-loại Đông-phương hướng về đường canh-mục. Canh-mục dựa
vào thiên-nhiên để sinh sống, mà thông-thương thì phải tranh thắng với trở
ngại thiên-nhiên, trước hết là sóng biển ngăn cách đảo nọ sang đảo kia. Ở
ngay bước đầu ấy, chúng ta có thể thấy nẩy nở những tính-tình khác khác
nhau như hiếu động và hiếu tĩnh và đồng thời quan niệm khác nhau về sự
vật. Tây-phương quan-niệm Người với thiên nhiên đối-lập nhau, thù-
nghịch nhau như hai thế-giới cách biệt bằng một cái hố bất khả xâm-phạm :
vật và tâm.
Trái lại Đông-phương lại quan-niệm Thiên-Địa-Nhân, ba « tài » quán
thông, thế-giới là một hòa-điệu thái-hòa. Về điểm này, thi hào Ấn, R.
Tagore đã viết rất bóng bẩy :
« Chúng ta có thể nhìn một con đường ở hai phương-diện khác nhau :
Một là chúng ta có thể nhìn ở con đường ấy như là cái gì nó làm xa cách
chúng ta với vật ta mong muốn. Và như thế thì mỗi bước chúng ta đi trên
con đường ấy là một bước đường tranh-thủ bằng sức lực chống đối với các
chướng ngại vật. Hai là người ta cũng có thể xem con đường kia như con
đường giắt ta đến mục-đích của chúng ta, và ở trong quan-điểm này thì con
đường kia là thành phần thuộc về mục-đích, nó đã là bước đầu thắng-lợi
của chúng ta. Trong khi đi trên đường chúng ta chỉ thu lượm được những gì
nó tự-nhiên cống-hiến cho chúng ta. Quan-điểm thứ hai này là quan-điểm
của Ấn-Độ nhìn thiên-nhiên. Điều cốt-yếu đối với chúng ta là chúng ta với
thiên-nhiên hòa-hợp. Người ta có thể tự duy trì là vì những ý tưởng của
mình có chỗ hòa hợp với sự vật. Nếu người ta có thể lợi dụng những mãnh
lực thiên nhiên cho mục tiêu của mình là chỉ vì năng lực của mình hòa-hợp