giới chính-trị hay kinh-tế, chủng-tộc hay dân-tộc, giai-cấp quí-tộc hay bình-
dân, tâm hay vật chỉ có ý-nghĩa tương-đối và luôn luôn biến-hóa. Nếu Vật
hòa vào Tâm hay Tâm hòa với Vật thì không còn là hai phạm-trù đối-lập
mâu-thuẫn là vì Á-Châu đã tín-ngưỡng vào cái gì truyền-thống, cái gì
trường-cửu linh-động như một nguồn sống đại-đồng vô-hạn trôi chẩy
không ngừng, ngày đêm bất chỉ bên trong thế-giới biểu-hiện ra hai phương-
diện Vật và Tâm.
Sinh sinh chi vị dịch
Sống Sống hoài gọi là biến dịch
hay là : Thiên địa chi đại đức viết sinh
天地之大徳曰生 (Cái đức lớn
nhất của trời đất là nguồn sống).
Cái nguồn sống sáng-tạo, sinh sinh ấy mà Á-Châu lấy làm thực-thể
truyền-thống, trường-cửu của vũ-trụ thiên-biến vạn-hóa chính đã do cái
địa-lý và khí-hậu của lục-địa mênh mông, cây cỏ tươi tốt gợi ra và in sâu
trong tâm-hồn nhân-dân nông-nghiệp Á-Châu.
« Người trồng cấy lúa hành-động với cách-thức tương-tự những nghi-
thức ma-thuật hay tôn-giáo ; những hành-động của nó không có một hiệu-
quả tức thì. Gặp thời-tiết nhất định trong năm, do vị-trí các ngôi sao đã
vạch ra cho nó, nó bắt đầu làm đất, một công việc kỳ lạ không trông thấy
kết-quả cụ-thể ngay. Trong đám đất đã xới lộn ấy, nó đã đặt những củ hay
hạt giống ăn được mà có lẽ nó cần dùng để nuôi thân. Sau đấy, một khi đã
làm xong những động-tác tập-truyền ấy, nó đợi chờ.
« Nó bảo vệ các khoảnh đất đã cấy hay đã gieo ấy bằng hàng rào và
ngăn-cản các giống vật khác không quấy nhiễu sự nẩy nở của các mầm
mống kia. Nó tự bảo vệ một cách tiêu-cực. Một vài tháng sau, nó thu hoạch
gấp bội kết-quả của những vật nó đã đặt xuống đất.
« Công việc của người chăn nuôi súc-vật thì khác hẳn, súc-mục bốn
chân, và nhất là cừu, sinh sống cũng như người và sinh đẻ dưới mắt nó
cũng một lối. Sự sinh-sản của mục-súc như vậy thì ít có vẻ bí-hiểm so với
đất-đai. Nhưng nó cần có sự trông nom và can-thiệp luôn luôn của người.