Đại-thừa Phật-giáo là một sự-kiện lịch-sử tinh-thần trọng-đại nhất của thời
thịnh-vượng ấy. Đại-học Phật-giáo Nalanda ở xứ Bengale khích-khởi lên sự
nẩy-nở trung-tâm Phật-học khắp cõi Đông-Nam-Á. Nhưng Phật-giáo ở đây
có khuynh-hướng hòa-hợp với Ấn-độ giáo và tín-ngưỡng tổ-tiên truyền-
thống của nhân-dân bản-xứ, bằng chứng là Phật-giáo đặc biệt chú-trọng
vào vấn-đề siêu-sinh tịnh-độ hay chiêu-hồn người chết. Chính cái khuynh-
hướng dung-hòa hợp hóa với các tín ngưỡng địa-phương ấy đã khởi hứng
ra những tác-phẩm nghệ-thuật của Java như tác-phẩm Boro-boudour chẳng
hạn. Tháp Boroboudour đã xây-dựng vào năm 772 hiện là một biểu-thị
nghệ-thuật tối-cao của thiên tài Anh-đô-nê-di khéo thích-ứng với hoàn cảnh
và truyền-thống của mình những kiểu-mẫu văn-hóa Ấn-độ.
Ngôi tháp vĩ-đại này bằng đá có bực chạy vòng quanh một ngọn núi
thiên-nhiên, thực ra không phải một đền thờ chính-thức mà chỉ là tượng-
trưng trái núi vũ-trụ nổi hiện tại trung-tâm thế-giới và trình-bầy ra qua hàng
ngàn nét trạm khắc tất cả Vũ-trụ Đại-Thừa. Nó là kiểu mẫu một ngôi «
Vua-Thế-giới » (Cakravartin). Pho-tượng đứng ở trên đỉnh vừa tượng trưng
cho Mahadeva : Thượng-đế lẫn Cailendra « Núi vua » là nguyên-lý quân-
chủ của triều-đại ; danh hiệu « Núi vua » cũng chính là danh-hiệu xưa kia
của các triều-đại ở Phù-Nam.
Đế-quốc Crivijaya tiếp-tục nắm giữ địa-vị bá-chủ trên biển, kiểm-soát
các eo-biển Đông-nam-Á cho đến eo đất Kra trên bán-đảo Mã-lai. Nhà địa-
lý Ba-tư Abù Zayd Hasan viết vào năm 916 rằng :
« Đô-thị Za-ba (Java) đối-diện với Trung-hoa. Hai bên xa cách nhau
độ một tháng đường biển, và ngắn hơn nữa nếu gặp gió thuận. Vua xứ ấy tự
xưng là Maharaja, vừa là chúa-tể một số lớn hải-đảo rải-rác trong khoảng
rộng hơn 6 ngàn cây số. Chính từ hải-cảng ấy mà thuyền bè qua lại với vịnh
Aman. Nhà vua Maharaja ở trên một cái đảo phì-nhiêu. Tiếng gà gáy buổi
rạng-đông thì có tiếng đáp lại khắp cả một miền hàng trăm dặm vì làng mạc
liên-tiếp như không bao giờ hết cả ».