Nhưng tinh-thần văn-hoá còn biểu-thị ra cái ý-thức dân-tộc ở hành-vi
của nhà Lý muốn đòi lại biên giới tự nhiên là dẫy Ngũ-lĩnh của Nhà Tống ở
mặt Bắc, và đất Quảng-bình, Quảng-trị, Thừa-thiên ở mặt Nam đã mất cho
Chàm thời đô-hộ.
Cái ý-thức dân-tộc ấy cũng lại diễn-tả ra ở hành-vi anh-dũng của nhà
Trần, quân-dân nhất-trí một mình đánh đuổi quân Nguyên hung-dữ không
cho đổ xuống miền Đông-Nam-Á. Cái tinh-thần Văn-hoá dân-tộc ấy lại
biểu-thị ra cử-chỉ anh-hùng nhân-đạo của chúa Lam-Sơn.
Làm việc trọng vì nhân vì nghĩa, cốt sao cho được yên dân.
Cất quân hỏi tội, cứu đời, trước hết trừ loài tàn bạo.
Nước nhà Đại-Việt
Một nước Văn-minh
Cõi bờ sông núi phân chia
Phong-tục Bắc Nam sai khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần dựng nên tổ-quốc
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi chúa một phương.
Dù mạnh yếu có lúc không đều
Mà hào-kiệt chưa đời nào thiếu.
(Bình Ngô Đại-cáo)
Và công-thần Nguyễn-Trãi, quân-thần một dạ :
Thương người như thể thương thân…
…Của tuy tơ-tóc, nghĩa cân ngàn trùng
Của là muôn sự của chung
Sống không, thác lại tay không có gì ?
Ở sao cho có nhân nghì !
(Gia-huấn ca.)
Cái tinh-thần Văn-hoá dân-tộc ấy còn biểu-thị ở cử chỉ anh-hùng áo
vải đánh đuổi quân Thanh :
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công-trình.