Tây-phương không đường tới :
Bắc lộ khó nẻo qua
Đường Nam phương thấy đó chẳng xa,
Thì những sợ nhiều quân Đá-Vách.
(Nguyễn-cư-Trinh « Sãi-Vãi »)
Đáng lẽ dân-tộc Chàm phải sớm biết điều ấy, lấy Đồng-Nai Châu-thổ
làm cơ-sở bảo-tồn trước khi đem quân tấn công Việt-Bắc. Họ đã làm trái
hẳn. Nhưng nhà Nguyễn với tầng lớp sĩ-phu sáng suốt như Nguyễn-cư-
Trinh đã biết, nên đã thành công.
Nhà địa-lý nhân-văn J. Sion viết :
« Cuộc bành-trướng của dân Việt-Nam là một đồng-hoá thật sự. Tính-
cách đó giải-thích vì sao người Việt bành-trướng chậm, nhưng rất chắc
chắn. Cao-miên và Lào đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù đem về làm
nô-lệ, lại có một giai-cấp quí-phái thống-trị dân đen, cho nên có cướp được
đất cũng dễ mất ngay.
« Mục-đích của người Việt lại khác. Họ không cần bắt nô-lệ, họ làm
lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất
cày ruộng.
« Nhiều khi chiến-tranh chỉ là để xác-nhận một tình-thế sẵn có. Dân
Việt bành-trướng một cách ôn-hoà, sinh-cơ lập-nghiệp rồi binh mới tới sau.
Trước khi Việt-Nam sát-nhập đất Nam-kỳ về mình, người Việt đã lập ở đó
những tổ-chức ; những đám người di-cư đã xây-dựng làng xóm hay là tới ở
chung với người Cao-miên rồi lần lần nắm quyền-hành.
« Cuộc bành-trướng thi-hành bằng cách đưa đến những đám người
liên-tiếp, đủ các hạng người : dân cày không có ruộng, những người tù tội,
những người trốn-tránh chế-độ, hay là những quân cướp muốn chuộc tội.
Cũng có khi chính-phủ thu-thập những người đó rồi đưa xuống những miền
mới chiếm, hay là lập những đồn-điền tận biên-thùy để phòng-bị lân-bang
tới đánh. Những đám người đó có quan-lại cai-trị và lập-thành làng mạc.