đất Ấn » (Les Indes). Nhưng bắt đầu từ thế-kỷ XI, người Thổ-Mông (Turc
Mongol) theo sang đạo Hồi (Islam), bắt đầu cướp thế-lực của người A-Rập.
Từ những đồng cỏ phía Nam và Đông Nam bể Caspienne (Cat-sờ-biên) nổi
lên, dân Thổ-Mông này ngự-trị tất cả xứ Syrie (Si-ri) và Trung-bộ Á-Châu
từ thế-kỷ XV. Họ xâm-nhập cả vào Âu-Châu, cướp Constantinople (Công-
tăng-ti-nốp) năm 1453. Ai-Cập bấy giờ còn trong tay người A-Rập, nhưng
dân Turcs (Thổ-Nhĩ-Kỳ) sửa-soạn xâm-chiếm, và các đoàn giặc bể của họ
đe dọa tất cả thuyền buôn giao-dịch giữa Ai-Cập với Venise và Gêne ở Ý-
Đại-Lợi (Italie). Do đấy mà việc buôn bán giữa Âu-Châu với các đất Ấn bị
đoạn-tuyệt. Việc buôn bán ấy không những làm thiệt-hại giới thương-
nghiệp, nó còn trực-tiếp ảnh-hưởng vào đời sống của đại-chúng nhân-dân
nữa. Theo Kermack trong The Epansion of Britain (tr. 667) thì :
« Các nông-dân thời Trung-cổ không biết dùng những rễ, củ như củ-
cải đỏ để nuôi mục-súc mùa rét. Vì thế mà một phần lớn mục-súc ấy phải
làm thịt đi khi các đồng cỏ biến chìm dưới tuyết, và người ta phải muối thịt
để ăn suốt mùa rét. Như vậy suốt cả Châu-Âu người ta cần dùng gia-vị rất
nhiều, xưa kia vẫn mua ở Á-Đông, để muối thịt và giữ cho thịt muối có
hương-vị. Giữ một con đường thông với các Đảo-Gia-Vị (Iles des épices) là
một điều tối trọng-yếu bấy giờ vậy ».
Nhưng có còn con đường nào khác để đi sang đất Ấn không ? Theo
thuyết dạy ở trường học bấy giờ của Pomponius Mela (50 sau T.C.) chủ-
trương trái đất gồm có nhiều lục-địa chung-quanh là biển, người ta có thể đi
đến đất Ấn vòng quanh Phi-Châu. Nhưng thủy-thủ bấy giờ tin rằng, vượt
quá giới-hạn ở phía Nam là sẽ gặp tai-họa của thủy-thần nổi giận. Bởi vậy
mà cuộc hành-trình không dễ thi-hành. Phải mất ngót một thế-kỷ, thủy-thủ
Bồ-Đào-Nha mới hoàn-thành. Trước họ hãy vượt eo-biển Gibraltar để đánh
đuổi quân Maures A-Rập ra khỏi lãnh-thổ của họ. Kế đến họ đi xa hơn chút
nữa về phương Nam, tìm kiếm những mảnh vàng vụn ven biển Côte-d'Or
(bờ biển vàng), sau hết họ đi lùng bắt nô-lệ da đen. « Lùng bắt nô-lệ, điểm
thêm vàng, ngà voi và hồ-tiêu, đấy là mục-tiêu của dân Bồ khám phá đất
Phi-Châu. » (Spéar : Master Mariners p.65). Đến khi quân Thổ-Mông