« Tuy không còn là kinh-đô nữa (Gia-Long thống-nhất Nam-Bắc
xong, thiên đô vào Phú-Xuân Huế làm kinh-đô), nhưng thành phố này vẫn
làm cho du-khách phải ngạc-nhiên. Chúng tôi không ngờ ở miền xa-xôi này
lại có một thị-tứ to và rộng như vậy. Thành phố ở bên trái sông Saigon (đi
từ biển vào). Khi chúng tôi xuống bến, đi hàng mấy hải-lý mà chưa hết nhà
cửa. Nhà đều làm sát nhau và theo hàng rất đều. Đường-sá rất rộng. Có rất
nhiều lạch, hai bên bờ đều là nhà cả, thuyền bè đi lại như mắc cửi. Cách đặt
phố-xá ở đây còn phong-quang thứ-tự hơn nhiều kinh-đô Âu-Châu.
« Thành phố Saigon là trung-tâm thương-mại của cái tỉnh giầu này.
Một vài người Trung-Hoa ở nước họ sang đây buôn bán rất lớn, nhưng
người « Cochinchinois » nghèo cho nên không sao buôn-bán như người
Trung-Hoa được. Những cửa hiệu ở Saigon có đủ mặt hàng : đồ-xứ Ton-
quin (Bắc-Việt), quạt, thuốc, pháo, hương, giấy… tóm lại rất nhiều hàng
hóa Trung-Hoa.
« Dân cư rất đông-đúc.
« Sự phát-triển của thành-phố này và của một vài thành-phố bên cạnh
(Chợ-Lớn) đã tiến một bước khá mạnh với chính-sự thanh-liêm nhưng cực-
kì nghiêm-khắc của ông Khâm-Sai Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt. »
Lại theo Trịnh-Hoài-Đức trong Gia-Định Thống-Chí thì :
« Đất Gia-Định rộng lớn phì-nhiêu, sản-xuất đủ mọi sản-phẩm, dân-cư
phong-phú không bao giờ lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Người Gia-
Định quen ăn tiêu phung-phí, trong miền Gia-Định rất ít người giầu có, vì
cớ không ai chịu dành dụm để làm giầu cả.
« Nhân-dân ở đây khinh rẻ tiền của, nhưng rất mộ công-lý. Nền bà thì
yểu-điệu và phần nhiều có nhan-sắc. Từ Bắc chí Nam, họ có tiếng là đẹp
hơn cả. Họ phần nhiều thọ hơn nền ông. Những người đã cao tuổi thường
vẫn tráng-kiện, chứ không cằn-cỗi khô-khan.
« Khi cõi Gia-Định mới thuộc triều-đình nước Nam, thì nhân-dân
miền này gồm có những người Annam miền Trung di-cư vào, người Trung-