TINH-THẦN TAM-GIÁO TRONG VĂN-HÓA
VIỆT-NAM và ĐÔNG-NAM-Á
Đông-Nam-Á trước thời cận-đại vốn đã là trung-tâm ảnh-hưởng của
văn-hóa Ấn-Độ và văn-hóa Trung-Hoa. Trên bán-đảo Ấn-Độ Chi-Na, có
một dẫy núi từ Tây-Tạng chạy xuống vịnh Siam, chia bán-đảo thành hai
khu-vực. Khu-vực phía Tây dẫy núi Hoành-Sơn hoàn-toàn thuộc ảnh-
hưởng văn-hóa Ấn-độ, nhất là Phật-giáo Tiểu-Thừa. Khu-vực phía Đông là
Việt-Nam, xưa kia là Giao-Chỉ, Chiêm-Thành, Thủy-Chân-Lạp, nơi gập gỡ
đụng độ của trào-lưu văn-hóa Hoa, Ấn, mà dân-tộc Việt-Nam từ thời giải-
phóng khỏi ách đô-hộ Tầu đã hòa-hợp thành một tinh-thần Tam-Giáo, Nho,
Đạo, Thích hay Khổng, Lão, Phật.
Trước hết hãy phân-biệt danh-từ giáo với học ở trong tư-tưởng Hoa-
Việt. Giáo là nói về tín-ngưỡng, tôn-giáo, mà học là nói về triết-học, học-
phái. Ở Trung-Hoa cũng như ở Việt-Nam, ba hệ-thống tư-tưởng Lão, Phật
và Khổng thường hay đi đôi với chữ giáo hay học. Khi nào người ta nói
Lão-giáo, Phật-giáo hay Khổng-giáo, là có ý-nghĩa một nền tín-ngưỡng,
như một tôn-giáo có nghi-lễ hẳn-hoi. Nhưng khi người ta nói Phật-học,
Lão-học hay Khổng-học, là ngụ-ý nói về tư-tưởng triết-học duy-lý thực-
nghiệm của mỗi hệ-thống. Vậy tư-tưởng Tam-giáo đồng-nguyên là nói về
mặt tín-ngưỡng chứ không phải chỉ về mặt triết-lý mà thôi vậy. Đấy là một
triết-học tôn-giáo hay Đạo-học.
Người ta sẽ thấy ngạc-nhiên ngay ở tại danh-từ Tam-giáo đồng-
nguyên bởi vì mỗi tôn-giáo là một tín-ngưỡng có giáo-điều bất-khả xâm-
phạm, có nghi-thức riêng-biệt, làm sao có thể qui về một tín-ngưỡng chung
được. Nếu đã là một tín-ngưỡng chung thì chỉ có một tôn-giáo, làm sao lại
có thể có ba tôn-giáo cùng chung một tín-ngưỡng được ?
Đấy là cả một vấn-đề tín-ngưỡng phải xét lại.