Ở nhân-loại có hai khuynh-hướng phổ-thông về tín-ngưỡng, một
khuynh-hướng thờ phụng các thần-linh là những mãnh-lực thiên-nhiên
nhân-cách-hóa, với một khuynh-hướng thờ phụng tổ-tiên là các linh-hồn
những người thân-thích với mình. Ở khuynh-hướng thờ phụng tổ-tiên,
người ta tin những người thân-yêu còn sống mãi sau khi xác-thịt đã tiêu-
tan.
Ở khuynh-hướng thờ phụng thần-linh, tinh-thần nhân-loại muốn thấu-
hiểu qua các hiện-tượng thiên-nhiên như sấm sét, sông núi qua các vẻ đẹp
huy-hoàng cũng như qua các trạng-thái dũng-mãnh để tìm ra một cái gì bí-
hiểm huyền-diệu. Và nhân-loại trong sự chiêm-ngưỡng những hiện-tượng
thiên-nhiên ấy đã sớm gán cho chúng những thuộc tính của người, nhân-
cách-hóa chúng thành những thần-tiên, những linh-hồn, hồn-Sông, hồn-
Núi, thần-Sấm, thần-Sét. Đấy là khuynh-hướng thờ phụng thiên-nhiên.
Hai khuynh-hướng trên đây có tính-cách mâu-thuẫn, có thể dung-hòa
trên một căn-bản thứ ba là nguyên-nhân của tín-ngưỡng. Dù ở tín-ngưỡng
tổ-tiên hay ở tín-ngưỡng thần-linh là những mãnh-lực thiên-nhiên nhân-
cách-hóa, nhân-loại đều tìm vượt ra ngoài giới-hạn của giác-quan mà nhân-
loại không mãn-nguyện. Cái ý muốn vượt quá giới-hạn của giác-quan từ cổ
xưa đã do trạng-thái nằm mộng khiến cho nhân-loại có tư-tưởng mình còn
có một đời sống ở ngoài thân-thể nữa. Từ đấy sự tìm tòi bắt đầu và đào sâu
mãi vào các từng lớp của tinh-thần để rồi khám phá ra những trạng-thái cao
hơn trạng-thái thức và mộng. Những trạng-thái siêu-nhiên này đều thấy ở
trong tất cả các nền tôn-giáo có hệ-thống của thế-giới, ấy là trạng-thái gọi
là siêu-hóa hay thần-hóa và cảm-hứng. Ở tất cả các tôn-giáo chính, các nhà
sáng-lập, tiên-tri, thiền-sư đều đã cảm thấy những trạng-thái tinh-thần khác
với trạng-thái lúc thức và lúc ngủ. Ở trong trạng-thái siêu-thần ấy, các Ngài
đã mục-kích trực-tiếp với một loại thực-kiện thuộc về phạm-vi tâm-linh.
Đối với các Ngài lúc ấy, những thực-kiện tâm-linh này còn linh-động xác-
thực hơn là các thực-kiện nhìn thấy ở lúc thức. Tất cả các tôn-giáo chính
của thế-giới đều công nhận tinh-thần nhân-loại có thể vượt quá giới-hạn
của giác-quan và khả-năng của lý-trí.