Phật-giáo thuộc về loại tín-ngưỡng đặc-biệt, không tin vào thần-linh,
không tin vào tổ-tiên mà chỉ tin vào một cái Pháp (Dharma). Pháp là luật-
pháp của sự sống, không phải kết-quả của sự suy nghĩ tìm-tòi mà là kết-quả
của một trạng-thái tinh-thần đặc-biệt khi Thích-Ca giác-mê khải-ngộ. Pháp
là một thực-kiện tâm-linh, làm cho đức Thích-Ca thông-cảm với chúng-
sinh, vũ-trụ bằng một lòng từ-bi bác-ái.
Trên đây là ba khuynh-hướng tín-ngưỡng của Tam-giáo, tín-ngưỡng
linh-hồn, tín-ngưỡng thần-linh, tín-ngưỡng tâm-linh. Sở-dĩ đồng-nguyên là
cả ba đều bắt nguồn ở sự phấn-đấu của nhân-loại để siêu-việt giới-hạn của
giác-quan, hướng về mục tiêu vô-hạn, mục-tiêu tự-do. Nguồn gốc chung là
ở tại cái khả-năng vô-hạn của tinh-thần nhân-loại vậy.
Thiền-Tôn với Vấn-đề Đồng-nguyên Tam-giáo
Tin ở nhân-loại có linh-hồn bất-diệt, ở thiên-nhiên có thần-linh ma-lực
hành-động đàng-sau hiện tượng, và cuối cùng tin ở tinh-thần nhân-loại có
khả-năng tâm-linh vô-hạn, rồi tùy-theo với tín-ngưỡng khác nhau ấy mà
xếp-đặt các hình thức cung-kính thờ-phụng trong phạm-vi tôn-giáo nghi-
thức. Nghi-thức chỉ là những phương-diện để diễn đạt lòng tin bên trong, là
những tượng-trưng cho những ý-nghĩa siêu-hình mà tín-đồ muốn đạt tới,
muốn thực-hiện ở tại bản-thân. Lâu ngày ý-nghĩa lu-mờ, nghi-thức trở nên
máy-móc vì xa lìa với xúc-động nội-tâm, do đấy mà các tôn-giáo, các tín-
ngưỡng câu-chấp các hình-thức bên-ngoài, bỏ mất tinh-thần bên trong, trở
nên bảo-thủ mà tranh-chấp với nhau, vì càng ngày cách-biệt với nguồn-gốc
của người sáng-lập, đã từng đem cả tâm-thân để sống thực, để thực-nghiệm
và đã thấy những thực-kiện tâm-linh là nền-tảng của các tín-ngưỡng.
Thiền-tôn là một ngành thực-nghiệm tâm-linh trong Phật-giáo Việt-
Nam lấy tâm làm Thiền như Ngộ-Ấn Thiền-sư đã nói về thuyết Tam-Bản
của Ngài. Thuyết Tam-Bản lấy thân làm Phật, lấy khẩu làm Pháp, lấy tâm
làm Thiền, xác-định những thực-nghiệm tâm-linh là gốc trọng-yếu của tất
cả các tín-ngưỡng tôn-giáo. Và thực-nghiệm ấy là thực-nghiệm ở tại nơi