Lúc đó vú Châu cảm kích vô cùng, có tiền, có cháu nội, biết được cả nơi A
Mông bị đày, còn gì hơn và bà đã rời ngay Bắc Kinh, lặn lội đêm ngày để
đến Tân Cương.
Chắc cả Phước Tấn phu nhân cũng không ngờ… vú Châu đã bế cháu đến
tận Ha La… Nhưng sau cả năm trời, lúc đến nơi thì mọi thứ đã thay đổi.
Chế độ đã sụp đổ, tội phạm đã sổ lồng. Họ đã bỏ đi hết, hỏi chẳng ai biết A
Mông hiện ở đâu. Cả cái mỏ than cũng bị bỏ phế.
Tiền bạc rồi xài hết. Con bé Hạt Mưa yếu đuối cứ bệnh hoạn hoài. Vú Châu
kêu trời trách đất. Ở xứ lạ tứ cố vô thân, ngày tháng dài đăng đẳng. Hai nội
cháu bắt đầu cuộc đời phiêu bạt. Vú Châu đã phải bế cháu từ thôn này sang
làng khác, làm đủ mọi thứ nghề, miễn sao có sữa cho Hạt Mưa, có tiền để
thăm dò tin tức của A Mông. Đã trải qua biết bao gian khổ, có lúc bà ngắm
cháu nội, thấy nó chẳng khác nào Tuyết Hà. Bà tự hỏi:
- Sao thế này? Rõ khổ là cốt cách một Quận chúa. Sao phải chịu khổ như
vậy?
Vâng, bé Hạt Mưa dù trải qua nắng mưa dãi dầu, dù phải lúc đói, lúc rét
nhưng nó không mất đi cái phong thái cao quý… Hai bà cháu cứ như vậy,
vừa đi vừa làm thuê. Vú Châu tuổi đã cao, nắng mưa làm bà bệnh hoạn
mãi. Nhưng rồi cũng về được Bắc Kinh. Về đến nơi mới hay là nhà họ La
đã về Thừa Đức.
Bây giờ thì đã đến Thừa Đức, đã biết được địa chỉ của Tuyết Hà, bà cháu
vú Châu lê la mấy ngày liền trước đôi cổng lớn, với mục đích duy nhất là
gặp mặt. Mấy đồng tiền cuối cùng trong túi sắp hết. Nợ quán trọ chưa trả.
Trong khi cơ thể của vú Châu ngày càng kiệt quệ, cơn ho không dứt, tối lại
không ngủ được.
Hôm ấy, vú Châu nghe thoáng được tin. Không chần chờ. Bà quyết định
ngay, bà nói với Hạt Mưa:
- Hạt Mưa này, nội chắc phải sống xa con.