Nàng thường ngồi lại khá lâu ở phòng người bệnh, còn chàng nói chuyện
với nàng như thể có đến hai chục người đang nghe họ. Và vào một buổi tối,
sau suốt cả ngày Vanina căm ghét chàng và thầm hứa với mình sẽ tỏ ra lạnh
nhạt hơn, nghiêm khắc hơn với chàng, thì bất ngờ nàng buột ra lời thú nhận
tình yêu. Chỉ một lúc sau, hai người đã hoàn toàn đắm mình trong cảm xúc
yêu đương.
Có thể nói, sự điên rồ của Vanina là không giới hạn, nhưng cần phải thừa
nhận rằng nàng đang tột cùng hạnh phúc. Missirilli không còn cố giữ lòng
tự trọng nam nhi của mình nữa: chàng yêu như người ta yêu trong mối tình
đầu ở tuổi hai mươi, như người ta yêu ở xứ sở Italia. Với sự ngây thơ của
nỗi đam mê say đắm, thậm chí chàng đã thú nhận với nàng tiểu thư kiêu
hãnh là mình đã dùng chiến thuật nào để đoạt được tình cảm của nàng.
Chàng hạnh phúc và ngạc nhiên là làm sao lại có thể hạnh phúc đến vậy.
Bốn tháng trôi qua không ai nhận thấy, và cuối cùng đã đến ngày viên thầy
thuốc trả lại tự do cho người bệnh.
“Ta phải làm gì bây giờ? - Missirilli nghĩ. - Cứ trốn mãi ở nhà một trong
những người đàn bà đẹp nhất thành La Mã ư? Còn lũ độc tài khốn khiếp đã
mười ba tháng giam ta trong ngục tối không ánh mặt trời sẽ nghĩ rằng
chúng đã bẻ gẫy được ý chí của ta. Ôi tổ quốc Italia, người quả là bất hạnh
nếu như những đứa con của người dễ dàng từ bỏ người đến vậy!”.
Vanina không nghi ngờ rằng Pietro sẽ vô cùng hạnh phúc khi được mãi mãi
ở bên nàng: mà đúng là chàng hạnh phúc thật sự. Nhưng một câu đùa ác
nghiệt của tướng Bonaparte
vang lên trong lòng chàng trai trẻ như một lời
trách cứ cay đắng và tác động tới thái độ của chàng đối với phụ nữ. Năm
1796, khi tướng Bonaparte rời Brescia, đám quan chức thành phố tiễn ông
ra cổng thành và nói rằng dân chúng Brescia yêu tự do hơn tất cả những
người dân Italia khác.