hỏi “trước và sau” cho du khách, đánh giá mức độ xuống tinh thần của họ
sau khi xem chương trình. Passport to the Universe, như ông viết, khơi gợi
một cảm giác bé nhỏ đến nỗi bàng hoàng tột độ mà ông chưa từng trải qua.
Sao lại có thể như thế? Mỗi khi tôi xem chương trình không gian này
(và những thứ khác mà chúng tôi sản xuất), tôi luôn cảm thấy rộn ràng, phấn
chấn, và gắn kết. Tôi cũng thấy lớn bổng, khi biết rằng những diễn biến bên
trong bộ óc 1,3 kilôgam của con người đã cho phép chúng ta làm rõ được vị
thế của mình trong vũ trụ.
Xin phép cho tôi đưa ý kiến rằng chính vị giáo sư nọ, chứ không phải
tôi, mới hiểu nhầm lẽ tự nhiên. Cái tôi của ông từ đầu đã quá lớn, bị thổi
phồng bởi ảo tưởng về tầm quan trọng và bị các giả định văn hóa mớm cho
rằng loài người mới là quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác trong vũ trụ.
Công bằng mà nói cho ông bạn, các thế lực hùng mạnh trong xã hội
khiến hầu hết chúng ta dễ bị lung lay. Tôi cũng thế… cho tới một ngày tôi
học được trong giờ sinh học rằng có nhiều vi khuẩn sống và làm việc trong
một xentimét ruột già của tôi hơn là số người từng tồn tại trên thế giới.
Thông tin kiểu như thế buộc bạn phải nghĩ lại xem ai - hay cái gì - thật sự
nắm quyền điều khiển.
Kể từ ngày ấy, tôi không còn xem mọi người là chủ nhân của không
gian và thời gian mà xem họ là kẻ dự phần vào chuỗi tồn tại trong vũ trụ vĩ
đại, có mối liên hệ di truyền trực tiếp với các giống loài cả đang sống hay đã
tuyệt chủng, ngược về gần bốn tỉ năm trước và liên hệ với những sinh vật
đơn bào đầu tiên trên Trái Đất.
Tôi biết bạn đang nghĩ gì: chúng ta thông minh hơn bọn vi khuẩn.
Không còn nghi ngờ gì chuyện ấy, chúng ta thông minh hơn mọi sinh
vật sóng khác từng chạy, bò, trườn trên Trái Đất. Nhưng thông minh đến
mức nào? Ta có thể tự nấu ăn. Ta viết thơ và soạn nhạc. Ta thực hành nghệ
thuật và khoa học. Ta làm toán giỏi. Mà dầu bạn có dở toán đi chăng nữa,
khả năng toán của bạn hẳn vẫn giỏi hơn con tinh tinh thông minh nhất, dù nó
chỉ chệch đi một tí về mức độ tương đồng di truyền so với chúng ta. Cố