nóng – và vẫn có khả năng nấu được electron, và những hạt này, cùng với
các phản đối tác là positron, cứ thoắt sinh thoắt diệt. Nhưng ở vũ trụ luôn
giãn nở, luôn nguội lại, thì số phận của chúng chỉ còn đếm từng ngày (hay
đúng hơn, từng giây). Những gì đã xảy ra cho quark, cho hadron, thì cũng
xảy ra cho electron: rốt cuộc chỉ có một electron trong số một tỉ là sống sót.
Số khác thì triệt tiêu với positron, tay phụ tá phản vật chất của chúng, trong
một biển photon.
Đúng quãng này, một electron ứng với mỗi proton “đông cứng” bắt đầu
hiện hữu. Khi vũ trụ tiếp tục nguội – nhiệt độ hạ xuống dưới một trăm triệu
độ - proton trộn lẫn với proton cũng như với neutron, tạo thành hạt nhân
nguyên tử và ấp nở một vũ trụ trong đó 90% các hạt nhân này là hydro và
10% là heli, cùng với các lượng deuteri, triti và liti còn dấu vết.
Hai phút nay đã trôi qua kể từ lúc khởi đầu.
Trong 380.000 năm nữa, không có gì nhiều xảy đến cho món xúp hạt
của chúng ta. Suốt hàng thiên niên kỷ này, nhiệt độ duy trì đủ nóng để
electron tự do lang thang giữa các photon, đánh chúng văng qua văng lại khi
chúng tương tác với nhau.
Nhưng sự tự do này đi đến kết thúc đột ngột khi nhiệt độ vũ trụ giảm
xuống dưới ba nghìn độ Kelvin (khoảng một nửa nhiệt độ bề mặt Mặt Trời),
và tất cả các electron đều kết hợp với hạt nhân tự do. Cuộc hôn phối đó để
lại một bể ánh sáng khả kiến chiếu rọi khắp nơi nơi, vĩnh viễn in dấu lên bầu
trời một biên bản cho biết vào thời điểm ấy tất cả vật chất đã ở đâu, và sự
hoàn tất quá trình hình thành hạt và nguyên tử trong vũ trụ nguyên sơ.
Trong một tỉ năm đầu tiên, vũ trụ tiếp tục giãn nở và nguội đi trong lúc
vật chất bị hút thành những điểm tập kết khổng lồ mà ta gọi là thiên hà. Gần
một trăm tỉ thiên hà hình thành, mỗi thiên hà bao gồm hàng trăm tỉ ngôi sao
trải qua phản ứng nhiệt hạch ở lõi. Các sao có khối lượng gấp khoảng mười
lần Mặt Trời sẽ đạt đủ áp suất và nhiệt độ ở lõi để chế tạo ra hàng tá nguyên
tố nặng hơn hydro, bao gồm những nguyên tố cấu thành các hành tinh và
mọi dạng sống sinh sôi được trên đó.