Nhưng sẽ ra sao nếu vũ trụ đã luôn ở ngoài đó, trong một trạng thái
hoặc điều kiện mà chúng ta chưa nhận dạng được – ví dụ là một đa vũ trụ,
đã liên tục hạ sinh các vũ trụ? Hay sẽ ra sao nếu vũ trụ hốt nhiên hiện hữu từ
hư không? Sẽ ra sao nếu mọi thứ thân thuộc với ta đều chỉ là bản mô phỏng
bằng máy tính do giống loài ngoài hành tinh siêu thông minh nào đó dựng
lên để giải khuây?
Những ý tưởng vui mang tính triết học này thường không thỏa mãn
được ai. Dẫu vậy, chúng nhắc ta nhớ rằng sự thiếu hiểu biết là trạng thái trí
óc tự nhiên của một nhà khoa học nghiên cứu. Những ai tin rằng họ không
có gì là không biết thì chẳng hề tìm kiếm, hay vấp phải, ranh giới giữa cái
biết và cái không biết trong vũ trụ.
Một điều ta biết, và là điều ta có thể khẳng định không e dè, là vũ trụ có
một khởi đầu. Vũ trụ còn tiếp tục tiến hóa. Và đúng vậy, mỗi một nguyên tử
trong cơ thể ta có thể được truy nguyên về vụ nổ lớn và lò luyện nhiệt hạch
bên trong những ngôi sao khối lượng lớn từng phát nổ hơn năm tỉ năm về
trước.
Chúng ta là bụi sao được mang vào đời, rồi được vũ trụ trao quyền
năng để giải mã chính mình – và chúng ta chỉ mới bắt đầu mà thôi.