về kích cỡ, khối lượng, nhiệt độ, vị trí, vẻ bề ngoài, thì cả hai đều chứa cùng
thứ: hydro, carbon, oxy, nitơ, canxi, sắt, và nhiều nữa. Nhưng hơn cả bảng
liệt kê thành phần chung dài thậm thượt, quan trọng là t nhận thức được rằng
các định luật vật lý quyết định dấu hiệu quang phổ trên Mặt Trời cũng chính
là các định luật vận hành dưới Trái Đất, cách xa chín mươi ba triệu dặm
trường.
Khái niệm đầy tính phổ quát này thật màu mỡ đến độ ở chiều ngược lại
nó cũng được áp dụng thành công. Việc phân tích kỹ hơn quang phổ Mặt
Trời hé lộ dấu hiệu về một nguyên tố chưa hề có bản tương ứng nào mà ta
biết trên Trái Đất. Do thuộc về Mặt Trời, chất mới được đặt cho cái tên bắt
nguồn từ tiếng Hy Lạp là helios (“Mặt Trời”), và chỉ mãi sau này nó mới
được phát hiện trong phòng thí nghiệm. Bởi thế, hêli trở thành nguyên tố
đầu tiên và duy nhất trong bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học được khám
phá ở một nơi không phải Trái Đất.
Xem nào, các định luật vật lý áp dụng được trong hệ Mặt Trời, nhưng
liệu chúng có áp dụng cho xuyên khắp thiên hà? Xuyên khắp vũ trụ? Xuyên
suốt thời gian? Từng bước một, các định luật được kiểm nghiệm. Những sao
lận cận cũng hé lộ chất hóa học quen thuộc. Các ngôi sao đôi xa xôi, bị buộc
quay chung một quỹ đạo quanh nhau, dường như cũng thông tỏ định luật
hấp dẫn của Newton. Cùng lẽ ấy, các thiên hà đôi cũng vậy.
Giống như trầm tích phân tầng địa chất đóng vai dòng thời gian biểu thị
các biến cố trên Trái Đất, càng nhìn xa hơn vào không gian, ta càng nhìn lùi
sâu hơn vào quá khứ. Quang phổ từ các vật thể xa xôi nhất trong vũ trụ cho
thấy dấu hiệu hóa học tương đồng với những gì ta thấy ở không gian và thời
gian lân cận. Quả thật, nguyên tố nặng thời ấy thưa thớt hơn - chúng được
chế tạo chủ yếu trong các thế hệ sao liên tiếp phát nổ - nhưng định luật miêu
tả quy trình nguyên tử và phân tử tạo thành dấu hiệu quang phổ vẫn không
đổi. Cụ thể, đại lượng được gọi là hằng số cấu trúc tinh tế (fine-structure
constant), thứ quy định dấu vân tay cơ bản của mọi nguyên tố, vẫn không
thay đổi gì qua hàng tỉ năm trời.