2. Ở TRÁI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN
THIÊN ĐƯỜNG
Cho tới khi Sir Isaac Newton viết ra định luật vạn vật hấp dẫn, người ta
chẳng có lý do gì để cho rằng định luật vật lý ở nhà mình sẽ giống với mọi
nơi khác trong vũ trụ. Dưới Trái Đất có các thế sự xảy ra và trên trời cao có
các chuyện thiên đường vận động. Theo giáo lý của Kitô giáo thời bấy giờ,
Thiên Chúa cai quản cõi thiên đường và vì thế nới ấy nằm ngoài tầm hiểu
biết của các đầu óc ngu muội phàm phu. Khi Newton đã phát hiện rằng
trọng lực kéo quả táo chín từ trên cành xuống cũng hướng dẫn vật thể bị
tung lên cao chuyển động theo quỹ đạo cong và chỉ dẫn cho Mặt Trăng quay
quanh Trái Đất. Định luật hấp dẫn của Newton còn hướng dẫn cho hành
tinh, tiểu hành tinh và sao chổi đi theo quỹ đạo quanh Mặt Trời và giữ cho
hàng trăm tỉ ngôi sao đi theo quỹ đạo trong dải Ngân Hà của chúng ta.
Tính phổ quát này của định luật vật lý thúc đẩy khám phá khoa học hơn
bao giờ hết. Và lực hấp dẫn chỉ mới là khởi đầu. Hãy tưởng tượng niềm
hứng khởi bao trùm giới thiên văn học thế kỷ 19 khi lăng kính phòng thí
nghiệm, thứ bẻ gãy ánh sáng thành quang phổ đủ màu, lần đầu được xoay
hướng lên Mặt Trời. Quang phổ không chỉ đẹp, mà còn chứa đựng muôn
vàn thông tin về vật thể phát ra ánh sáng, bao gồm nhiệt độ và hợp chất của
nó. Nguyên tố hóa học bộc lộ bản thân thông qua dãy vạch sáng tối đặc thù
cắt ngang dải quang phổ. Sung sướng và ngạc nhiên, người ta phát hiện rằng
các dấu hiệu hóa học đặc trưng trên Mặt Trời cũng có cùng gốc rễ với những
gì có trong phòng thí nghiệm. Không còn là công cụ riêng của nhà hóa học
nữa, lăng kính cho thấy rằng dẫu Mặt Trời có khác biệt với Trái Đất đến đâu