lớn hơn. Áp suất đẩy lớn hơn gây ra nhiều chân không hơn, và nhiều chân
không hơn gây ra áp suất đẩy lớn hơn, áp đặt một gia tốc lũy thừa và không
ngừng lên sự giãn nở của vũ trụ.
Kết quả là, bất kỳ thứ gì không được gắn kết bằng lực hấp dẫn với vùng
lân cận của dải Ngân Hà sẽ lùi xa với tốc độ ngày một tăng, tham gia vào sự
giãn nở nhanh dần của kết cấu không-thời gian. Những thiên hà xa xôi nay
có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm rốt cuộc sẽ biến mất sau một chân trời
không thể nào với tới, lui ra khỏi chúng ta nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Kỳ
tích này được phép xảy ra, không phải vì chúng di chuyển trong không gian
với tốc độ như thế, mà vì kết cấu của chính vũ trụ đưa chúng đi với tốc độ
ấy. Không định luật vật lý nào ngăn cản điều này.
Trong khoảng một nghìn tỉ năm nữa, bất kỳ ai sống trong thiên hà của
chúng ta có thể sẽ chẳng biết gì về các thiên hà khác. Vũ trụ có thể quan sát
được của ta sẽ đơn thuần gồm một hệ thống sao già cỗi, lân cận, nội trong
Ngân Hà. Và bên ngoài bầu trời đầy sao này là một khoảng không vô tận -
bóng tối là diện mạo của một miền sâu thẳm.
Năng lượng tối, đặc tính nền tảng của vũ trụ, cuối cùng sẽ làm mai một
khả năng thấu hiểu của thế hệ tương lai trước vũ trụ mà họ được giao phó.
Nếu các nhà vật lý thiên văn đương đại ở khắp cõi thiên hà lấy tất cả các hồ
sơ dữ liệu khoa học quan trọng rồi chôn nó vào một cái kén thời gian nghìn
tỉ năm thật là hoành tráng, thì các nhà khoa học tương lai sẽ chẳng con biết
gì về các thiên hà - hình thái tổ chức chủ đạo cho vật chất trong vũ trụ - và
vì thế sẽ không thể tiếp cận được những trang cốt yếu trong vở kịch vũ trụ
của chúng ta.
Và đây cơn ác mộng diễn đi lặp lại của tôi: Có phải chúng ta, cũng vậy,
đang bỏ lỡ những mảnh ghép cơ bản của vũ trụ một thời đã qua? Phần nào
trong quyển sách lịch sử vũ trụ đã bị đánh dấu “access denied” (truy cập bị
từ chối)? Thứ gì vẫn thiếu trong các lý thuyết và phương trình của chúng ta
mà đáng lẽ phải có, để rồi ta phải chộp bừa những câu trả lời có thể không
bao giờ tìm thấy?