cácbon về thứ bậc dồi dào, oxy cũng rất phổ biến, được luyện thành và giải
phóng từ tàn tích của những ngôi sao phát nổ. Cả oxy lẫn cácbon đều là
nguyên liệu chủ yếu cho sự sống như ta vẫn biết.
Nhưng còn sự sống mà ta không biết? Sự sống dựa trên nguyên tố silic
thì sao? Silic nằm ngay bên dưới cácbon trong bảng tuần hoàn, đồng nghĩa,
về nguyên lý, nó có thể tạo ra cùng một bộ các phân tử như cách của cácbon.
Nhưng cuối cùng, ta lại kỳ vọng cácbon giành phần thắng bởi nó dồi dào
gấp mười lần silic trong vũ trụ. Nhưng bấy nhiêu đó không đủ để các nhà
văn khoa học viễn tưởng chùn tay, họ tiếp tục để tâm vào các chuyên gia về
sinh học ngoài Trái Đất, tự hỏi rằng một dạng sống thật sự xa lạ, lấy silic
làm nền tảng thì sẽ như thế nào.
Ngoài vai trò thành phần hoạt tính trong muối ăn, natri còn là khí phát
sáng phổ biến nhất trong đèn đường thành phố dọc ngang đất nước. Chúng
“cháy” sáng hơn và lâu hơn các bóng đèn sợi đốt, dù rằng tất thảy sớm được
thay thế bởi đèn LED, thứ còn sáng và rẻ hơn nữa. Có hai loại đèn natri phổ
biến: đèn áp suất cao, màu trắng vàng, và đèn áp suất thấp, màu cam. Hóa
ra, mặc dù mọi ô nhiễm ánh sáng đều gây bất lợi cho ngành vật lý thiên văn
thì các đèn natri áp suất thấp lại đỡ nhất vì ta có thể dễ dàng loại bỏ phần
nhiễu loạn ra khỏi dữ liệu kính viễn vọng. Trong một mô hình hợp tác, toàn
thành phố Tucson, bang Arizona, chính quyền đô thị lớn và gần nhất với Đài
thiên văn Quốc gia Kitt Peak, đã có thỏa thuận với các nhà vật lý thiên văn
địa phương và chuyển đổi tất cả đèn đường thành đèn natri.
Nhôm chiếm gần 10% vỏ Trái Đất thế mà người cổ đại không biết nó,
còn ông bà ta thì chẳng lấy làm thân thuộc gì với nó. Nguyên tố này mãi đến
năm 1827 mới được phân tách và nhận dạng, và mãi cuối thập niên 1960
mới gia nhập vào số đồ gia dụng phổ biến, cũng là lúc hộp thiếc, giấy thiếc
nhường chỗ cho hộp nhôm, giấy nhôm. Nhôm qua đánh bóng tạo thành tấm
gương gần như hoàn hảo để phản chiếu ánh sáng khả kiến và là lựa chọn
hàng đầu để tráng gương chữ hầu hết kính viễn vọng ngày nay.