muốn rượt theo các món thực phẩm đóng gói trên kệ rơi xuống lăn lóc dọc
hành lang.
Trên Trái Đất, một cách để làm ra ổ bi là ta rỏ những giọt kim loại nóng
chảy với định lượng đã tính trước xuống đầu trên của một trục dài. Giọt kim
loại thường sẽ dập dờn cho tới lúc nó định hình thành dạng khối cầu, nhưng
nó cần đủ thời gian để rắn lại trước khi chạm tới đáy. Trên các trạm không
gian quay theo quỹ đạo, nơi mọi thứ đều không trọng lực, bạn chỉ cần nhẹ
nhàng phun ra những giọt kim loại nóng chảy với định lượng chính xác là
tha hồ tạo ra những hột tròn vo - chúng cứ lơ lửng trong lúc nguội dần, sau
đó thì rắn lại thành hình cầu hoàn hảo.
Với vật thể vũ trụ cỡ lớn, chính năng lượng và lực hấp dẫn hợp lực biến
vật thể thành hình cầu. Lực hấp dẫn là lực đóng vai trò kéo sập vật chất từ
mọi hướng, nhưng lực hấp dẫn không phải lúc nào cũng thắng - liên kết hóa
học bên trong vật thể rắn rất mạnh. Dãy Himalaya mọc lên phản lại trọng
lực của Trái Đất bởi tính đàn hồi của lớp đá vỏ. Nhưng trước khi phấn khích
về các ngọn núi hùng vĩ của Trái Đất, bạn nên biết rằng chiều cao trải dài từ
rãnh đại dương sâu nhất cho đến ngọn núi cao nhất là độ chừng hai mươi
kilômét, trong khi đó đường kính Trái Đất đã ngót mười ba nghìn kilômét.
Thế nên, trái với hình dung trong đầu loài người bé nhỏ đang bò trên bề mặt
đất, Trái Đất, ở quy mô vật thể vũ trụ, trơn tru ra phết. Nếu bạn có một ngón
tay to tổ chảng, ngoại hạng, và bạn lướt nó dọc theo bề mặt Trái Đất (cả đại
dương này nọ), cảm giác sẽ trơn láng tựa hồ quả bi da. Những mô hình quả
địa cầu đắt tiền nào mà thể hiện núi non trên Trái Đất bằng những phần đất
nổi cộm tức là đã trắng trợn thổi phồng hiện thực. Đây là lý do tại sao, mặc
cho núi non thung lũng trên Trái Đất, kể cả những chỗ khá bẹt từ cực này
đến cực kia, thì khi nhìn từ không gian, Trái Đất chẳng khác gì một hình cầu
hoàn mỹ.
Núi non trên Trái Đất vẫn còn nhãi nhép làm nếu phải so với những
ngọn núi khác trong hệ Mặt Trời. Ngọn to lớn nhất Sao Hỏa, ngọn Olympus
Mons cao đến hai mươi kilômét và rộng gần ba trăm dặm (khoảng 480
kilômét) ở chân núi. Nó khiến ngọn McKinley ở Alaska trông như một đụn