qua được. Tội nghiệp ba, mẹ vẫn nói, ông luôn luôn muốn làm việc
cho chính mình. Ông học đại học ở miền Nam, ở Georgia, vốn là quê
của ông - mẹ xuất thân từ New Jersey - và theo nghề nông với chăn
nuôi. Nhưng sau đó ông từ bỏ và lên miền Bắc, tại Trenton, ông theo
học trường dạy nghề làm mắt kính. Sau đó ông bị bắt đi lính cho Thế
chiến thứ nhất, rồi ông gặp mẹ, cùng bà chuyển đến East Orange, mở
cửa hàng, mua nhà, rồi bị phá sản, và bây giờ ông là bồi bàn trên toa
ăn. Nhưng nếu trong toa ăn ông không thể, thì ít nhất ở nhà ông có thể
nói với tất cả sự cân nhắc và chính xác và thẳng thắn, và có thể làm
bạn tê liệt bằng ngôn từ. Ông dạy bằng được cho các con phải ăn nói
tử tế. Lớn lên, chúng không bao giờ nói, “Nhìn con gâu gâu kìa.”
Thậm chí chúng không nói, “Nhìn con chó kìa.” Chúng nói, “Nhìn con
Béc-giê kìa. Nhìn con chó săn thỏ kìa. Nhìn con chó sục kìa.” Chúng
học được rằng mọi thứ đều có loại này loại kia. Chúng học được sức
mạnh của việc gọi tên chính xác. Lúc nào ông cũng dạy chúng tiếng
Anh. Ngay cả những đứa trẻ đến chơi nhà, bạn của con ông, cũng đều
bị ông Silk chỉnh lại tiếng Anh.
Khi ông là một người thợ mắt kính và mặc chiếc áo bờ lu trắng bên
ngoài bộ đồ sẫm màu kiểu mục sư và làm việc theo giờ giấc như công
nhân viên chức, ông thường ngồi đọc báo tại bàn ăn sau khi dùng món
tráng miệng. Tất cả đều phải đọc. Mỗi đứa trẻ, cả đứa bé tí như
Ernestine, sẽ lần lượt đọc tờ Newark Evening News, mà không phải là
những trang truyện cười. Mẹ ông, bà nội Coleman, được bà chủ dạy
chữ và sau cuộc Giải phóng Nô lệ đã đi học ở nơi mà sau được gọi là
Trường Sư phạm và Công nghiệp bang Georgia dành cho Người Da
Màu. Cha ông, ông nội Coleman, là một mục sư Hội Giám lý. Trong
gia đình Silk mọi người đều đọc các tác phẩm văn học cổ điển, không
thiếu cuốn nào. Trong gia đình Silk con cái không được dẫn đi xem
các trận đấu quyền Anh, chúng được đưa đến Bảo tàng Nghệ thuật
Metropolitan ở New York để xem áo giáp. Chúng được đưa đến Cung
thiên văn Hayden để biết về thái dương hệ. Chúng được đều đặn dẫn