đến Bảo tàng lịch sử Tự nhiên. Và rồi năm 1937, vào ngày 4 tháng
Bảy, bất chấp phí tổn, tất cả chúng được ông Silk dẫn đến nhà hát
Music Box Theatre ở Broadway để xem George M. Cohan diễn trong
vở I’d Rather Be Right. Coleman vẫn nhớ những điều cha ông nói với
em trai ông, chú Bobby, trên điện thoại ngày hôm sau. “Khi màn
nhung kéo xuống sau lưng George M. Cohan lúc ông ấy ra cúi chào
khán giả, sau không biết là bao nhiêu lần, chú biết ông ta đã làm gì
không? Ông ta bước ra hát tất cả những bài hát của mình trong một
giờ. Từng bài một. Liệu có cách nào tuyệt vời hơn để giới thiệu kịch
nghệ với một đứa trẻ không?”
“Nếu ta là cha của con,” cha Coleman trở lại câu chuyện, trong khi
cậu con trai ngồi nghiêm nghị trước cái đĩa không, “con biết ta sẽ nói
gì với con lúc này không?”
“Là gì ạ?” Coleman nói khe khẽ, không phải vì cậu mệt đứt hơi do
chạy bộ mà bởi vì cậu cảm thấy xấu hổ vì đã bảo cha mình, người
không còn là một chủ cửa hàng mắt kính mà là một bồi bàn trên toa ăn
và vẫn sẽ là một bồi bàn trên toa ăn cho đến khi chết, rằng ông không
phải là cha mình.
“Ta sẽ nói, ‘Tối hôm qua con thắng hả? Tốt. Bây giờ con có thể giải
nghệ, giải nghệ mà chưa hề bị đánh bại. Con đã giải nghệ.’ Ta sẽ nói
với con thế, Coleman ạ.”
Mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều khi Coleman nói chuyện với cha cậu
sau đó, sau khi cậu dành cả buổi chiều làm bài tập về nhà và sau khi
mẹ có cơ hội nói chuyện và thuyết phục cha cậu. Sau đó tất cả họ có
thể ngồi trong không khí ít nhiều hòa bình với nhau trong phòng ăn và
lắng nghe Coleman mô tả những vinh quang của nghề đánh bốc và
việc chúng, xét đến tất cả những kỹ năng ta cần tập luyện thành thục
cho đến khi hoàn thiện, tuyệt vời hơn cả những chiến thắng trên đường
đua như thế nào.
Giờ thì đến lượt mẹ cậu nêu ra những câu hỏi, và việc trả lời bà thì
chẳng mấy khó khăn. Đứa con trai thứ của bà giống như một món quà