con đối với người đàn ông gần gũi nhất với nó mà nó sẽ không bao giờ
gặp lại, người cha khổng lồ, nín nhịn trong câm lặng, người nói năng
dễ dàng như thế, như dòng lũ cuốn như thế, người mà chỉ bằng sức
mạnh của lời nói đã vô tình dạy cho Coleman ước muốn trở nên lớn
lao. Coleman khóc bằng thứ cảm xúc căn bản và bao la nhất trong mọi
thứ cảm xúc, và cậu chỉ còn lại là tất cả những gì cậu không thể chịu
đựng nổi. Là một thanh niên hay phàn nàn về cha mình với bạn bè,
cậu thường khắc họa ông với sự khinh miệt nhiều hơn những gì cậu
cảm thấy hoặc có khả năng cảm thấy - vờ như việc mình có thể lạnh
lùng đánh giá cha là một phương thức khác mà cậu dựng ra để khẳng
định mình là không thể xuyên thủng. Nhưng việc không còn bị cha
giới hạn và định nghĩa nữa giống như việc nhận ra rằng mọi thứ đồng
hồ trên đời đều ngừng chạy, cả đồng hồ đeo tay, và rằng không còn
cách chi để biết giờ giấc nữa. Cho đến tận ngày cậu đi Washington và
vào học ở Howard, dù thích hay không, chính cha là người đã tạo ra
câu chuyện cuộc đời Coleman cho cậu; bây giờ tự cậu sẽ phải tạo ra
nó, và viễn cảnh này thật đáng sợ. Và rồi nó không còn đáng sợ nữa.
Ba ngày đáng sợ, khủng khiếp trôi qua, một tuần khủng khiếp, hai
tuần khủng khiếp, cho đến khi, cậu đột ngột cảm thấy phấn chấn lên.
“Những gì có thể tránh được/ Kết cục mỗi người, là chủ ý của các
thánh thần toàn năng?” Những dòng này cũng là từ Julius Caesar,
được cha cậu trích dẫn cho cậu nghe, nhưng chỉ khi cha cậu ở dưới mồ
thì rốt cuộc Coleman mới chịu lắng nghe - và khi đó, cậu lập tức
phóng chiếu chúng lên. Điều này hẳn là chủ ý của các thánh thần toàn
năng! Tự do của Silky. Cái tôi thô ráp. Tất cả những sự tế vi của việc
làm Silky Silk.
Ở Howard lúc trước cậu khám phá ra rằng cậu không chỉ là một tên
mọi đen trong mắt Washington, D.C. - cứ như thể cú sốc đó chưa đủ
mạnh, cậu còn phát hiện ra rằng tại Howard cậu cũng là một thằng da
đen. Một thằng da đen ở Howard. Đêm hôm trước cái tôi thô ráp vẫn
là một phần của cái “chúng ta” với tất cả sự đoàn kết áp đặt của nó, và