ngủ - cô phóng một mình khỏi xe lửa như thể đang cố thoát khỏi một
kẻ tấn công và không điện thoại cho anh hay tính gặp lại anh lần nữa.
Bốn năm sau, năm 1954, họ gần như va vào nhau bên ngoài nhà ga
Grand Central và dừng lại để bắt tay nhau và nói chuyện, chỉ đủ lâu để
khới lên sự kinh ngạc thuở đầu tiên mà họ đã gợi ra trong nhau ở tuổi
hai mươi hai và mười tám và sau đó đi tiếp, tin chắc rằng cuộc gặp gỡ
tình cờ hy hữu kiểu này gần như chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra
lần nữa. Lúc đó anh đã cưới vợ, sắp làm cha, hôm đó anh vào thành
phố vì công việc dạy văn học Hy La tại trường Adelphi, và cô làm
việc trong một hãng quảng cáo đâu đó trên đại lộ Lexington, vẫn độc
thân, vẫn xinh đẹp, nhưng giờ đã mang dáng vẻ đàn bà, một phụ nữ
New York ăn mặc trau chuốt và rõ ràng là một người mà chuyến đi tới
East Orange có thể đã kết thúc theo một cách khác nếu như nó xảy ra
muộn hơn.
Cách nó lẽ ra có thể đã diễn ra - cái kết cục mà thực tế đã phủ quyết
dứt khoát - là điều duy nhất anh có thể nghĩ tới. Kinh ngạc bởi việc cả
hai dường như chẳng quên được là bao về nhau, anh bước đi và hiểu
ra, vì những chuyện như vậy, không thuộc phạm vi kịch Hy Lạp cổ
điển mà Coleman đọc, trước đây anh chưa bao giờ phải hiểu, rằng
cuộc sống có thể là thế này thay vì là thế khác dễ dàng làm sao và một
số phận được định đoạt một cách ngẫu nhiên làm sao... mặt khác, định
mệnh có thể có vẻ ngẫu nhiên làm sao trong khi mọi thứ không bao
giờ có thể diễn ra khác đi như nó diễn ra. Nghĩa là, anh bước đi mà
chẳng hiểu gì cả, biết rằng mình không thể hiểu gì cả, nhưng lại là với
cái ảo tưởng rằng anh lẽ ra đã thấu hiểu, ở tầm mức siêu hình, một
điều gì đó cực kỳ quan trọng trong cái quyết tâm bướng bỉnh muốn trở
thành kiểu người mà mình muốn chỉ có điều... chỉ có điều chẳng bao
giờ ta hiểu nổi những điều như thế.
Cái lá thư hai trang đáng yêu cô gửi vào tuần kế tiếp, về địa chỉ
trường, mô tả cái cách “sà xuống” điêu luyện của anh trong lần đầu
tiên họ ở cùng nhau trong căn phòng ở phố Sullivan - “sà xuống,