sự thận trọng, sự ngờ vực chính mình, để nghĩ rằng mọi khó khăn đã
đến hồi kết thúc, rằng mọi chuyện phức tạp không còn tồn tại nữa, để
quên mất không chỉ việc mình đang ở đâu mà còn cách mình đến được
đó, để từ bỏ tính cẩn thận, tính kỷ luật, việc đánh giá từng tình huống
một... Như thể cái trận chiến đó, thứ thuộc về riêng mỗi người, bằng
cách nào đó lại có thể gác lại, như thể một cách chủ động người ta có
thể tiếp tục và tạm ngưng là cái tôi của chính mình, cái tôi đặc trưng,
bất di bất dịch mà trận chiến nổ ra trước hết là nhân danh nó. Hai đứa
con út của ông sinh ra với màu da trắng hoàn hảo đã khiến ông nắm
lấy điều mạnh mẽ nhất trong ông và điều khôn ngoan nhất trong ông
và xé nó thành trăm mảnh. Sự khôn ngoan bảo, “Đừng làm gì hết,” và
nó đã cứu được ông.
Nhưng thậm chí trước đó, sau khi sinh đứa con đầu lòng, ông đã
làm một điều cũng ngu ngốc và ủy mị chẳng kém. Ông lúc đó là một
giáo sư văn học Hy La trẻ từ Adelphi đến Đại học Pennsylvania dự
một hội nghị ba ngày về Iliad; ông đã trình bày một bài tham luận, ông
đã gặp gỡ một số người, thậm chí ông đã được một nhà nghiên cứu
văn học Hy La danh tiếng kín đáo mời nộp đơn xin vào vị trí còn
khuyết tại Princeton, và, trên đường về nhà, trong giây phút nghĩ mình
đang lên hương, thay vì đi về hướng Bắc trên đường cao tốc Jersey
Turnpike, để tới Long Island, ông quẹo sang hướng Nam và đi dọc
theo những con đường nhỏ của hạt Salem và Cumberland đến
Gouldtown, đến ngôi nhà tổ tiên của mẹ ông nơi họ thường tổ chức
buổi cắm trại gia đình hằng năm khi ông còn nhỏ. Phải, ngày ấy cũng
hệt như bây giờ, sau khi trở thành một ông bố, ông đã định tặng cho
mình cái niềm vui dễ dãi ấy, ông đã định tặng cho mình một trong
những thứ cảm xúc rất chi là ý nghĩa mà người ta sẽ đi tìm bất cứ khi
nào họ ngừng suy nghĩ bằng đầu. Nhưng bởi ông có một cậu con trai
chẳng đòi hỏi ông phải rẽ về phía Nam đến Gouldtown, nên, khi tới
Bắc Jersey, việc có đứa trẻ này làm con trai mình đã buộc ông chạy xe
vào lối rẽ ở Newark và hướng về East Orange. Nhưng lại cũng có một