ta gần như tự mời mình ra khỏi công việc ở Athena. Cấu trúc tự sự và
thời gian chủ quan. Những mâu thuẫn nội tại của công trình nghệ
thuật. Rousseau giấu mình đi và rồi lối tu từ vạch trần ông. (Hơi giống
cô ta, ông chủ tịch hội đồng giảng viên nghĩ, trong bài luận về tiểu sử
bản thân đó.) Tiếng nói của nhà phê bình chính đáng chẳng kém tiếng
nói của Herodotus. Tự sự học. Sự kể lại. Khác biệt giữa kể lại và diễn
lại. Trải nghiệm đóng ngoặc. Tính dự cảm của văn bản. Coleman
không cần phải hỏi tất cả những thứ này nghĩa là gì. Ông biết, theo
đúng nghĩa từ nguyên Hy Lạp, cái đống từ ngữ đi ra từ Yale có nghĩa
gì và đống từ ngữ đi ra từ École Normale Supérieure có nghĩa gì. Cô ta
có biết không? Đã làm việc này hơn ba thập niên, ông không có thì giờ
cho mấy thứ này. Ông nghĩ: Tại sao một người xinh đẹp như thế lại
muốn núp sau những ngôn từ đó để lánh khỏi khía cạnh con người
trong trải nghiệm sống của bản thân? Có lẽ chính vì cô ta quá xinh
đẹp. Ông nghĩ: Tự định giá bản thân cẩn thận biết bao, và cũng thật
mù quáng về chính mình biết bao.
Dĩ nhiên cô có năng lực. Nhưng với Coleman cô là hiện thân của
cái thứ rác rưởi hàn lâm chảnh chọe mà các sinh viên Athena còn lâu
mới cần tới nhưng sức hấp dẫn đối với những kẻ tầm thường trong hội
đồng giảng viên là không thể cưỡng lại.
Lúc đó ông nghĩ rằng việc nhận cô vào làm cho thấy mình có một
tinh thần cởi mở. Nhưng nhiều khả năng đó là do cô hấp dẫn quá đỗi.
Dễ thương quá đỗi. Cuốn hút quá đỗi. Và có lẽ hơn hết là vì cái vẻ
ngoài của một đứa con gái.
Delphine Roux đã hiểu sai cái nhìn chăm chú của ông khi nghĩ, có
phần hơi kịch tính - chính là một trong những trở ngại đối với tài trí
của cô, nỗi thôi thúc không chỉ muốn nhảy ngay đến một kết luận kịch
tính mà còn muốn nhượng bộ, một cách khêu gợi, trước sức mê hoặc
của sự kịch tính - rằng ông chỉ muốn trói quặt hai tay cô ra sau lưng:
cái ông muốn, vì mọi lý do có thể có, là không phải thấy cô lẩn quẩn