Nếu có cơ hội, tôi sẽ khuyên nó rời trường.’ ‘Tại sao?’ họ hỏi tôi. ‘Bởi
vì nó không thuộc về trường học.’
“Hãy để tôi đọc tài liệu này. Nghe nè. Được ghi lại từ lời một người
ủng hộ Tracy Cummings, rằng cô ta là một người mà chúng ta không
được quá khắt khe hoặc quá vội vàng phán xét, cũng chắc chắn không
phải là người mà chúng ta nên quay lưng đi và cự tuyệt. Chúng ta phải
nâng đỡ Tracy, chúng ta phải hiểu Tracy - chúng ta phải biết, vị học
giả này nói với chúng ta, ‘Tracy xuất thân từ đâu.’ Để tôi đọc cho anh
nghe những câu cuối cùng. ‘Tracy xuất thân từ một hoàn cảnh khá khó
khăn, từ lớp mười em ấy đã tách khỏi cha mẹ và sống với họ hàng. Do
đó, em ấy không giỏi lắm trong việc đối phó với những hiện thực cuộc
đời. Tôi thừa nhận khuyết điểm này. Nhưng em ấy sẵn sàng, sẵn lòng,
và hoàn toàn có thể, thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống. Những gì tôi
thấy đang hình thành trong em ấy suốt mấy tuần lễ qua là nhận thức về
mức độ nghiêm trọng trong cách em ấy tránh né thực tại.’ Những câu
này là của Delphine Roux, chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn chương,
người phụ nữ này dạy, ngoài những lớp khác, một lớp văn học cổ điển
Pháp. Nhận thức về mức độ nghiêm trọng trong cách em ấy tránh né
thực tại. A, đủ rồi. Đủ rồi. Thật kinh tởm. Quá đỗi kinh tởm.”
Đó là những gì tôi chứng kiến, rất thường xuyên, khi đến bầu bạn
với Coleman vào một tối thứ Bảy: nỗi xấu hổ ê chề vẫn đang tiếp tục
hủy hoại một người vẫn đầy sức sống. Cái con người giỏi giang bị hạ
bệ và vẫn đau đáu nỗi nhục thất bại. Cái kiểu mà ta có thể thấy nếu
ghé thăm Nixon tại San Clemente hoặc Jimmy Carter, tận dưới
Georgia, trước khi ông ta, bắt đầu tỏ ra ăn năn trước thất bại của mình,
trở thành thợ mộc. Một cảnh rất buồn tủi. Nhưng bất chấp mối đồng
cảm đối với nỗi khốn khổ của Coleman, đối với tất cả những gì ông đã
bị mất đi một cách bất công và đối với việc người đàn ông ấy gần như
không thể tự bứt mình ra khỏi nỗi cay đắng, có những buổi tối, sau khi
mới nhâm nhi chỉ vài hớp rượu mạnh, tôi vẫn cần đến một biển ma
thuật để không ngủ gật.