một giải pháp cho câu chuyện cũng hợp lý như bất cứ giải pháp nào
khác từng được nghĩ ra, nhưng là một thứ ta chẳng bao giờ hiểu thấu
được. Ta cứ phải chính mắt nhìn thấy nó thì mới tin rằng nó tồn tại.
Tôi không tin hầu hết mọi người đều dự định đi theo thi hài đến tận
huyệt mộ. Nhưng con cái nhà Silk có tài khơi dậy và duy trì cảm xúc
bi thương, và tôi cho rằng đây chính là lý do tại sao có nhiều người
đến thế tụ tập gần nhất có thể quanh huyệt mộ nơi sẽ là chỗ an nghỉ
đời đời của Coleman, cứ như thể chúng tôi sẵn sàng bò vào đó và thế
chỗ của ông, để hiến mình như vật thay thế, như kẻ thế mạng, như
những món hiến tế, nếu điều đó có thể, bằng một con đường màu
nhiệm, cho phép tái tục cuộc đời mẫu mực, mà chính Herb Keble thừa
nhận, đã gần như bị đánh cắp khỏi tay Coleman từ hai năm trước.
Coleman sẽ được chôn cạnh Iris. Trên bia mộ của bà ghi 1932-
1996. Bia của ông sẽ là 1926-1998. Những con số mới rạch ròi làm
sao. Và chúng nói được mới ít ỏi làm sao về những điều đã xảy ra.
Tôi nghe bài kinh Kaddish vang lên trước khi nhận ra ai đó ở đây
đang tụng nó. Trong giây lát, tôi ngỡ nó trôi dạt tới từ một nơi nào
khác trong nghĩa trang để rồi nhận ra nó đến từ mé bên kia huyệt mộ,
nơi Mark Silk - đứa con trai út, đứa con trai giận dữ, đứa con trai,
giống như cô em sinh đôi của cậu ta, mang nét giống cha rõ nhất -
đang đứng một mình, với cuốn kinh trên tay và cái mũ chỏm trên đầu,
và đang tụng bằng một giọng dịu dàng, đẫm nước mắt, bài kinh cầu
nguyện quen thuộc bằng tiếng Hebrew.
Yisgadal, v’yiskadash...
Hầu hết dân Mỹ, kể cả tôi và có lẽ cả anh chị của Mark, đều không
biết những lời đó có nghĩa gì, nhưng hầu hết mọi người đều nhận ra
thông điệp trang nghiêm mà nó chuyển tải: một người Do Thái đã
chết. Một người Do Thái nữa đã chết. Cứ như thể cái chết không phải
là một hệ quả của cuộc sống mà là hệ quả của việc làm một người Do
Thái.