Khi tôi quay người rời khỏi đám tang, bà tình cờ cũng làm vậy, và
thế là, do chỉ đứng cách nhau một hai bước, chúng tôi giáp mặt nhau.
“Tôi là Nathan Zuckerman,” tôi nói. “Tôi là một người bạn của
Coleman lúc cuối đời.”
“Chào ông,” bà trả lời.
“Tôi tin rằng hôm nay chồng bà đã làm thay đổi mọi chuyện.”
Bà không nhìn tôi như thể tôi đã nhầm lẫn, dù tôi nhầm lẫn thật. Bà
cũng không phớt lờ tôi, hay quyết định gạt tôi sang một bên và đi tiếp.
Bà cũng không có vẻ như chẳng biết phản ứng ra sao dù hẳn là trong
một cảnh khó xử như thế bà hẳn đã thấy thế. Một người bạn của
Coleman lúc cuối đời à? Xét đến lai lịch thực sự của bà, hẳn bà đã có
thể chẳng cần nói gì ngoài câu “Tôi không phải bà Keble” rồi bỏ đi?
Nhưng bà chỉ đứng đó, trước mặt tôi, không chút biểu lộ, hoàn toàn
bị mê mụ đi trước những biến cố và khải thị của ngày hôm đó đến độ
không nhận ra bà là gì đối với Coleman, vào lúc đó, là một việc không
tưởng tượng được với tôi. Không phải những nét hao hao giống
Coleman là cái ghi vào đầu tôi, ghi vào một cách nhanh chóng, với
hàng hoạt các chi tiết, giống như khi nhìn một ngôi sao xa tít qua một
ống kính được ta từ từ điều chỉnh đến một tiêu cự chính xác. Cái tôi
thấy - mất một lúc tôi mới thấy được, thấy được thấu suốt cái bí mật
của Coleman - là một gương mặt hao hao giống Lisa, người thậm chí
còn giống dì ruột mình hơn cả giống cha.
Chính qua Ernestine - ngồi nói chuyện ở nhà tôi sau đám tang - mà tôi
biết được hầu hết những gì giờ đây tôi biết về thời trai trẻ của
Coleman ở East Orange: về việc bác sĩ Fensterman cố thu xếp để cho
Coleman làm bài ẩu trong kỳ thi tốt nghiệp để Bert Fensterman vượt
lên trước ông và trở thành học sinh tốt nghiệp thủ khoa; về chuyện ông
Silk tìm được căn nhà ở East Orange năm 1926, căn nhà khung gỗ mà
hiện Ernestine vẫn đang ở, nó được bán cho cha bà “bởi một cặp vợ