“Walter đã không nhắc tới tên Coleman kể từ năm một ngàn chín
trăm năm mươi sáu. Anh ấy sẽ không nói về Coleman đâu. Coleman
đã gây dựng sự nghiệp tại một trường đại học đặc da trắng ở New
England. Coleman đã chọn giảng dạy một bộ môn đặc da trắng trong
chương trình. Với Walter, Coleman còn trắng hơn cả những người da
trắng. Anh ấy không thể nói gì hơn điều đó đâu.”
“Vậy bà có báo cho ông ấy biết Coleman đã chết không? Bà có nói
bà đã đi đâu không?”
“Không. Trừ phi anh ấy hỏi.”
“Bà có liên lạc với con cái của Coleman không?”
“Sao tôi phải liên lạc?” bà hỏi. “Nói cho chúng biết là việc của
Coleman. Đâu phải việc của tôi.”
“Thế sao bà lại nói với tôi?”
“Tôi không nói với ông. Ở nghĩa trang ông đã tự giới thiệu. Ông nói
với tôi, ‘Bà là em gái Coleman?’ Tôi bảo phải. Tôi chỉ nói sự thật. Tôi
không phải loại người có gì phải giấu giếm.” Thái độ của bà vẫn hà
khắc như khi bà ngồi với tôi cả buổi chiều - và như thái độ của bà với
Coleman. Cho đến trước lúc đó, bà vẫn tự cân bằng một cách thận
trọng giữa một bên là sự tan nát của bà mẹ và một bên là nỗi giận dữ
của ông anh.
Đến đây bà rút ví ra khỏi sắc tay. Bà mở ví cho tôi xem một trong
những bức ảnh được nhét trong một bì nhựa. “Ba mẹ tôi,” bà ấy nói.
“Sau Thế chiến thứ nhất. Ông ấy vừa từ Pháp về.”
Hai người trẻ măng đứng trước hàng hiên bằng gạch, thiếu nữ bé
nhỏ đội cái nón rộng vành và mặc váy dài mùa hè còn chàng thanh
niên mặc lễ phục quân nhân, với mũ lưỡi trai, đai da giắt đạn, găng tay
da, và giày bốt bóng loáng. Da của họ hơi sáng nhưng họ là dân da
đen. Làm sao ta nhận ra họ là người da đen? Không chỉ đơn thuần là
bởi họ chẳng có gì phải giấu giếm.